Chiều 12/5, phiên tòa xét xử vụ án buôn bán hàng giả tại CTCP VN Pharma giai đoạn 2 chuyển sang phần xét hỏi.
HĐXX tập trung xét hỏi nhóm bị cáo về hành vi buôn bán thuốc giả gồm Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty thương mại hàng hải quốc tế H&C)…
Cáo trạng thể hiện, các bị cáo Hùng, Cường và nhân viên của VN Pharma đã “tráo” vỏ thuốc Helix Canada thành thuốc nhãn mác Health 2000 Canada.
Tại cuộc gặp vào cuối tháng 10/2012 ở TP.HCM, ba bên gồm Hùng, Cường và Raymundo Y. Mararac (quốc tịch Philippines, Giám đốc Công ty Health 2000 Canada tại Philippines kiêm Giám đốc Công ty Helix Canada) đã trao đổi về việc VN Pharma mua thuốc Helix Canada do Raymundo cung cấp. Các bên thỏa thuận, trong thời gian chờ cấp visa thì phía Helix Canada sẽ sản xuất các thuốc có cùng hoạt chất, công dụng và đặt tên thương mại giống thuốc do Health 2000 Canada (loại thuốc đã được cấp phép tại Việt Nam).
Phía VN Pharma đã đặt mua 4 loại thuốc do Helix Canada sản xuất gồm Kafotax-1000, Kaderox-250, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin. Do Helix Canada chưa được cấp giấy phép tại Việt Nam nên các bị cáo làm giả các hợp đồng mua bán, phụ lục hợp đồng giữa VN Pharma với Công ty Austin Pharma (Hồng Kông) thể hiện đặt mua 838.100 hộp thuốc nhãn hiệu Health 2000, trị giá hơn 54 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Cẩm Loan (Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) liên hệ với Lê Thị Vũ Phương – kế toán trưởng VN Pharma đưa các hợp đồng, trong đó có tài khoản của 6 công ty dịch vụ chuyển tiền thuê ở nước ngoài nhằm mục đích chuyển tiền nâng khống giá thuốc.
Thực tế giữa VN Pharma và Austin không có việc mua hàng. Việc lập khống hợp đồng để hợp thức thủ tục nhập khẩu, thông quan, thanh toán tiền. Các bị cáo là nhân viên của VN Pharma đã sử dụng giấy A4 có in sẵn con dấu của “Austin”. Khi sử dụng hết giấy A4, các bị cáo scan, in màu hình dấu của “Austin”.
Do hồ sơ nhập khẩu có nhiều thông tin không nhất quán, để thông quan trót lọt, bị cáo Võ Mạnh Cường đã trực tiếp chỉnh sửa logo của Helix Canada thành logo Health 2000 Canada.
Để nhập khẩu thuốc, từ ngày 8/1/2013 đến ngày 11/9/2014, bị cáo Hùng đã chỉ đạo nhân viên mở 21 tờ khai hải quan để nhập khẩu 838.100 hộp thuốc nhãn mác Health 2000 Canada theo 15 hợp đồng giả ký với Austin trị giá hơn 54 tỷ đồng. Thực tế, VN Pharma chỉ thanh toán số tiền thực cho Helix Canada là hơn 12 tỷ đồng.
Để hợp thức việc thanh toán tiền mua thuốc khống, Nguyễn Minh Hùng trực tiếp hoặc chỉ đạo các nhân viên ký 53 lệnh chuyển tiền vào tài khoản của 6 công ty nước ngoài trên số tiền hơn 1,7 triệu USD. Theo chỉ đạo của Hùng, bị cáo Phương đã nhận lại bằng tiền mặt tại Việt Nam thông qua các dịch vụ chuyển tiền thuê.
Sau khi nhập khẩu trót lọt 4 loại thuốc trên, VN Pharma đã bán ra cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc hơn 623 hộp, với số tiền hơn 51,6 tỷ đồng. Trong phi vụ này, VN Pharma hưởng lợi hơn 31,5 tỷ đồng.
Chủ tọa đã chất vấn bị cáo Lê Thị Vũ Phương về những bất thường trong việc thanh toán mua thuốc. Bị cáo Phương giãy bày “đây là lần đầu tiên làm về thanh toán xuất nhập khẩu”. “Bị cáo là người xuất tiền, nếu xuất vu vơ phải đền tiền. Bị cáo có thấy gì bất thường và vi phạm không?”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Phương đáp: “Lúc làm thì không hiểu nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo hiểu ra là khi thanh toán mà đơn vị thụ hưởng và người ký hợp đồng không giống nhau".
“Công ty Austin là đơn vị bán hàng nhưng tiền lại chuyển sang đơn vị khác mà lại không có hợp đồng ủy quyền. Đấy là lỗ hổng của kế toán, là hành vi gian dối. Làm kế toán mà làm thế à? Ai chỉ đạo bị cáo?”, chủ tọa vặn hỏi. Bị cáo Phương khai nhận, tất cả thể hiện trong hợp đồng.
Trình bày tại tòa, bị cáo Nguyễn Minh Hùng cũng thừa nhận việc làm của mình là sai trái và nhận trách nhiệm trước pháp luật.