Cụ thể, tại Báo cáo số 09/BC - LHH ngày 12/6/2015 của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật - Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng, 2 cơ quan này kiến nghị: UBND TP. Hải Phòng không chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường cho Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân làm thủ tục thuê đất; không chấp thuận dự án đầu tư nhà máy xi măng 1,4 triệu tấn/năm; dừng thực hiện Giấy phép khai thác khoáng sản số 797/GP - UBND ngày 17/4/2015, đồng thời khẩn trương xem xét nghiên cứu việc lập quy hoạch, lập Dự án tôn tạo, xây dựng Khu di tích lăng mộ các vua nhà Mạc.
Tại văn bản này, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật - Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng cũng thẳng thắn đề nghị UBND TP. Hải Phòng cho phép phối hợp cùng Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và phát triển Thành Dền được nghiên cứu khảo sát, thám sát, thu thập thêm tư liệu thông tin, hiện vật, chứng cứ lịch sử, xây dựng quy hoạch, ý tưởng dự án, làm căn cứ xây dựng báo cáo trình UBND TP. Hải Phòng xem xét chỉ đạo.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về Dự án tôn tạo, xây dựng Khu di tích lăng mộ các vua nhà Mạc do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật - Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng cùng Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và phát triển Thành Dền đề xuất, ông Trịnh Văn Hiển, Phó chủ tịch UBND xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên cho biết, ông chưa bao giờ nghe nói đến Dự án này. Đồng thời, trên phần đất thôn 9, xã Liên Khê cũng chưa bao giờ được cơ quan có thẩm quyền công nhận là Khu di tích lăng mộ các vua nhà Mạc.
Để làm rõ hơn thông tin này, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân, vì đâu lại có Dự án tôn tạo, xây dựng Khu di tích lăng mộ các vua nhà Mạc được đề xuất xây dựng trên phần đất mà Công ty được cấp phép và quy hoạch khai thác khoáng sản.
Theo bà Liên, đó là do trong quá trình khai thác những năm trước đây, Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân có phát hiện một ngôi mộ cổ hình thuyền. Ngay khi phát hiện, doanh nghiệp này đã mời đại diện Bảo tàng TP. Hải Phòng về kiểm tra, giám định và thực hiện việc bảo quản cổ vật theo quy định của pháp luật. Theo thông tin mà chúng tôi có được, thì sau khi Bảo tàng TP. Hải Phòng thực hiện giám định cổ vật, ngôi mổ cổ hình thuyền được phát hiện có niên đại khoảng 1.800 năm, tức là có trước từ rất lâu so với triều đại các vua nhà Mạc.
Bà Liên cũng cho biết thêm, trong suốt hơn 10 năm hoạt động tại địa phương, không có bất kỳ cơ quan chức năng nào cảnh báo hay có ý kiến về Khu di tích lăng mộ các vua nhà Mạc. Việc doanh nghiệp phát hiện ngôi mộ cổ hình thuyền hoàn toàn tình cờ và được báo ngay cho đơn vị chức năng là Bảo tàng TP. Hải Phòng thực hiện kiểm tra, giám sát và bảo tồn theo các quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Hùng Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng cho biết, trong trường hợp Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân phát hiện một ngôi mộ cổ hình thuyền khi khai thác khoáng sản được quy định tại tiết b, khoản 2, Điều 28, Luật Khoáng sản 2010: “Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được khoanh định khi có yêu cầu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét, công nhận hoặc phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản”. Đây có thể xem như là căn cứ để Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật - Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng kiến nghị Nhà nước, xem xét, công nhận là di tích lịch sử.
“Chúng tôi không cấm Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và phát triển Thành Dền nghiên cứu khảo sát, thám sát, thu thập thêm tư liệu thông tin, hiện vật, chứng cứ lịch sử, xây dựng quy hoạch, ý tưởng Dự án như đề xuất của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật - Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng”, ông Tiến khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Tiến, việc phát hiện di tích và đề xuất bảo tồn di tích cổ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân (nếu có) như đơn kiến nghị của tập thể nhân dân thôn 9, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là hai chuyện khác nhau.
Nếu “mượn” ý kiến của người dân về hoạt động của Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân gây ảnh hưởng đến cuộc sống (mà thực tế là người dân phủ nhận như chúng tôi đề cập trong các bài viết trước), để không cho Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân làm thủ tục thuê đất; không chấp thuận dự án đầu tư nhà máy xi măng 1,4 triệu tấn/năm; dừng thực hiện Giấy phép khai thác khoáng sản số 797/GP - UBND ngày 17/4/2015 của UBND TP. Hải Phòng… như đề xuất của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật - Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng thì câu chuyện lại rẽ theo chiều hướng khác.
“Chúng tôi sẽ đề xuất UBND TP. Hải Phòng thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân nếu doanh nghiệp này vi phạm pháp luật. Nhưng chúng tôi không thể vì việc phát hiện cổ vật mà tính chất chưa được chứng minh rõ ràng; đồng thời vì mong muốn của những đơn vị khác muốn làm dự án trên khu đất này mà gây khó dễ cho hoạt động của doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh từ nhiều năm, phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2020”, ông Tiến nói.