Bị cáo Đỗ Thị Nhàn cũng xác nhận nội dung là gặp gỡ bà Lan 2 lần nhưng chỉ để trao đổi công việc.
Chiều 12/3, trả lời trước HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục khẳng định, bản thân không giữ chức vụ gì tại Ngân hàng SCB và không tham gia điều hành ngân hàng này. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai: “Nguyên nhân dẫn đến thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB là do toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành đều bị bà Lan chi phối” là không đúng.
Tương tự, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng không biết gì về khoản vay của nhóm 71 khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng thời, cũng không trao đổi gì với bà Nhàn về 71 khách hàng này. Đặc biệt, bị cáo Lan khẳng định, không chỉ đạo ai đưa tiền cho bà Nhàn.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục khẳng định, bản thân không giữ chức vụ gì tại Ngân hàng SCB và không tham gia điều hành ngân hàng này |
Theo cáo trạng, để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB phát hiện qua thanh tra, để SCB không bị đưa vào diện Kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong Đoàn thanh tra.
Trên cơ sở đó, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong Đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.
Trả lời về nội dung này trước tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn cũng xác nhận nội dung là gặp gỡ bà Lan 2 lần. Nguyên do là Võ Tấn Hoàng Văn nhờ gặp bà Lan. Nội dung trao đổi với bà Lan không liên quan gì đến việc nhờ vả hay cảm ơn nhau, chỉ là công việc. Những lần ông Văn chuyển hộp xốp (chứa 5,2 triệu USD) đến cũng không nói là ai chuyển, chỉ nói là cảm ơn.
Theo bị cáo Nhàn, việc gặp gỡ giữa bà với bà Lan không nằm trong kế hoạch thanh tra. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra thì đoàn thanh tra được quyền gặp gỡ các bên có liên quan để hối thúc…
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH) thừa nhận, trong suốt quá trình thanh tra, bị cáo có chỉ đạo trưởng đoàn chứ không chỉ đạo các thành viên khác trong đoàn. Chủ yếu trao đổi qua điện thoại, chỉ khi nào cần thiết thì mới phê vào văn bản.
Bị cáo Hưng khai thêm, sau 2 lần yêu cầu Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cung cấp số liệu liên quan hoạt động cho vay của Ngân hàng SCB với khách có cùng địa chỉ kinh doanh tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khi nhận được báo cáo của CIC thì bị cáo đã chuyển cho các Đoàn thanh tra để xử lý. Vì vậy, đoàn thanh tra phải có trách nhiệm xử lý những thông tin mà CIC cung cấp.
“Đây là phần thiếu sót của bị cáo, thiếu trách nhiệm dẫn đến sai phạm của Ngân hàng SCB”, bị cáo Hưng nói.
Theo bị cáo Hưng, về trách nhiệm, bị cáo ký quyết định thanh tra thì việc chỉ đạo suốt quá trình thanh tra là đương nhiên. Tuy nhiên, điều kiện làm việc của bị cáo lại ở Hà Nội, trong thời gian này thì cơ quan thanh tra chỉ còn 2 người. Trong khi đó, khối lượng công việc thì rất nhiều, nên có phần thiếu sót trong chỉ đạo.
Hơn nữa, lúc này cũng là thời điểm bị cáo sắp nghỉ hưu nên có phần chểnh mảng trong quá trình thanh tra.
Theo cáo trạng, quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB năm 2017 - 2018 của Đoàn thanh tra do Cơ quan TTGSNH chủ trì và ban hành kết luận, liên quan đến nội dung, kết quả thanh tra, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan TTGSNH, Người ra Quyết định thanh tra.
Trưởng đoàn thanh tra; Phó trưởng đoàn và các thành viên Tổ tổng hợp; thành viên tại các tổ thanh tra là những người biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu. Sai phạm, vi phạm tại các khoản vay của nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của Ngân hàng SCB thông qua kết quả thanh tra.
Tuy nhiên vì động cơ cá nhân, tiêu cực, nhận tiền, lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB, Nguyễn Văn Hưng chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn để chỉ đạo tổ tổng hợp và các thành viên trong Đoàn, cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo Kết luận thanh tra và báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ.
Mục đích, không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB tiếp tục được thực hiện Đề án tái cơ cấu. Hành vi nhận tiền để làm trái công vụ của Đoàn thanh tra đã tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền là 14.102 tỷ đồng.