Vụ Vạn Thịnh Phát: Thành viên Đoàn thanh tra thừa nhận nội dung truy tố

0:00 / 0:00
0:00
Trong phần thẩm vấn, các thành viên trong Đoàn thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước (Chi nhánh TP.HCM) và Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II) đều thừa nhận nội dung truy tố.
Hành vi của Hưng và Đoàn thanh tra tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB hơn 512.000 tỷ đồng.

Hành vi của Hưng và Đoàn thanh tra tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB hơn 512.000 tỷ đồng.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng các đồng phạm đã thẩm vấn nhóm 16 bị cáo là thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại SCB về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), thì cựu Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Hưng nhận 390.000 USD.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hưng khai, ông nhiều lần nhận quà của SCB trong các ngày lễ tết. Từ đó, bị cáo đã báo cáo không trung thực về thực trạng tài chính của SCB, tạo điều kiện cho SCB tiếp tục đề án tái cơ cấu.

Theo Nguyễn Văn Hưng, tình hình của SCB trước khi thanh tra, theo các kênh báo cáo thì hoạt động bình thường, do đó cuộc thanh tra được xác định là thanh tra bình thường. Trước khi Ngân hàng Nhà nước có cuộc thanh tra thì Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ thanh tra SCB.

Nhưng sau đó, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước họp thống nhất giao cho một đầu mối thanh tra. Sau đó, Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước trực tiếp thanh tra SCB và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành với sự có mặt của các đơn vị khác, gồm: Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi có kế hoạch, bị cáo chỉ đạo Vụ 1 đầu mối tiến hành thành lập đoàn thanh tra, khảo sát SCB trên cơ sở các báo cáo giám sát, kết luận thanh tra từ trước và tình hình khắc phục chấn chỉnh sau thanh tra. Từ đó xây dựng kế hoạch nội dung thanh tra SCB đợt 1 vào năm 2017.

Ông Hưng cũng khai, ngay từ đầu, bị cáo này xác định trọng tâm là thanh tra tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu 2015 - 2019 của Ngân hàng Nhà nước, nhưng cần xác định rõ thực trạng của SCB, chỉ ra cho SCB biết vấn đề tồn tại, hạn chế, cần khắc phục.

Sai phạm trong đợt thanh tra lần 1 chính là có sai lệch về số liệu, nằm ở chỉ tiêu cơ bản để đánh giá được thực trạng của SCB. Từ đó, không xử lý phân loại nhóm nợ đúng quy định, đưa SCB thuộc nhóm nợ 3 - 5 quay trở lại nhóm 1.

"Ở đây có phần trách nhiệm của bị cáo không kiểm tra, rà soát những ý kiến chỉ đạo của mình đề ra cho đoàn trước khi bị cáo ký phân loại nợ trình Thống đốc. Đây là trách nhiệm của bị cáo, báo cáo này làm sai lệch đi báo cáo tài chính của SCB", Hưng khai.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại tòa.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại tòa.

Trình bày thêm trước HĐXX, Nguyễn Văn Hưng lý giải, trong thời gian thanh tra đợt 1, Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thành cuộc thanh tra để ra kết luận nên đã nóng lòng ra Kết luận Thanh tra không đúng, không phù hợp.

Trong đợt thanh tra lần 2 SCB vào năm 2018, sai phạm của bị cáo Hưng được xác định là thu hẹp phạm vi thanh tra với 71 khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh sau ngày 30/6/2017 còn dư nợ đến ngày 31/3/2018, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại 4 Nguyễn Thị Minh Khai phát sinh dư nợ sau ngày 30/6/2017.

Lý giải về việc thu hẹp nội dung thanh tra lại, Nguyễn Văn Hưng cho biết, bản thân chỉ nghĩ thuần túy là thời gian thanh tra đã lâu, trong khi yêu cầu chỉ đạo cần kết thúc thanh tra sớm. Vì vậy, bị cáo này đã điều chỉnh kế hoạch để rút ngắn thời gian.

Trước khi kết thúc phần trình bày của mình, bị cáo Hưng xúc động, khóc và cho biết, anh em trong Đoàn thanh tra là những người công tác ở đoàn thanh tra lâu năm, là những người rất tốt; trước khi xảy ra sự vụ này, chưa mắc những lỗi lầm nào.

Chính vì vậy, có thể từ nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về cuộc thanh tra này dẫn đến hành vi báo cáo chưa đúng, dẫn đến hậu quả tất cả phải đứng trước pháp luật, để nhận tội lỗi của mình. Kính mong HĐXX xem xét lượng hình phù hợp cho các bị cáo của đoàn thanh tra.

Trả lời HĐXX, các thành viên Đoàn thanh tra do Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) làm trưởng đoàn gồm Nguyễn Thị Phụng, Bùi Tuấn Khoa, Vương Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Thùy, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh, Trương Việt Hưng, Nguyễn Duy Phương đều thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng đã truy tố.

Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ I, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN) là Phó đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ 1 trong lần thanh tra đợt Ngân hàng SCB đợt 1 cũng thừa nhận, đã bao che sai phạm, không ý kiến khi cấp trên quyết định ban hành báo cáo kết luận thanh tra đã được “làm sạch”.

Các thành viên Đoàn thanh tra đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Các thành viên Đoàn thanh tra đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Tương tự, 5 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, bị truy tố về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” cũng đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Dũng (Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM) thừa nhận đã báo cáo không trung thực kết quả giám sát Ngân hàng SCB với Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan thanh tra giám sát. Đồng thời, không kiến nghị thanh tra để xử lý đối với các dấu hiệu sai phạm và không thực hiện thanh tra theo yêu cầu tại 17 văn bản của Ngân hàng Nhà nước…

Với chức trách của mình, các bị cáo còn lại đã không hoàn thành nhiệm vụ, lại còn không trung thực về thực trạng tài chính, không trung thực kết quả giám sát, sửa báo cáo và nhiều hành vi khác theo hướng có lợi cho ngân hàng SCB…

Các bị cáo đều thừa nhận đã nhiều lần nhận tiền từ lãnh đạo ngân hàng SCB.

Tin bài liên quan