Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, thành viên duy nhất trong đoàn thanh tra bị truy tố về tội nhận hối lộ và bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tù chung thân.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, thành viên duy nhất trong đoàn thanh tra bị truy tố về tội nhận hối lộ và bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tù chung thân.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bị cáo nhận hối lộ 5,2 triệu USD tự bào chữa thế nào

0:00 / 0:00
0:00
Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, thành viên duy nhất trong đoàn thanh tra bị truy tố về tội nhận hối lộ (5,2 triệu USD), bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tù chung thân.

Ngày 27/3, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức khác.

Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II (Cục II) - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước), luật sư cho hay, mức án chung thân mà Viện kiểm sát (VKS) đề nghị đối với bị cáo Nhàn là quá nghiêm khắc.

Bởi trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, người ra Quyết định thanh tra) là người chỉ đạo toàn bộ thành viên đoàn thanh tra. Sau khi thành viên các đoàn thanh tra làm việc, báo cáo Nhàn, Nhàn báo cáo lại Hưng để đưa ra kết luận thanh tra cuối cùng.

Theo luật sư, HĐXX cần cân nhắc mục đích động cơ phạm tội của bị cáo Nhàn trong vụ án này. Về hành vi nhận tiền là có, nhưng không có thỏa thuận là nhận để làm việc gì đó… Vì vậy cần xác định lại tội danh “Nhận hối lộ”.

Luật sư cũng băn khoăn rằng, tại sao hành vi của bị cáo Nhàn lại bị truy tố hình phạt rất cao. Hơn nữa, trong các thành viên đoàn thành tra thì chỉ riêng bị cáo Nhàn là tách riêng truy tố tội nhận hối lộ, còn các thành viên đoàn thanh tra lại là đồng phạm của bị cáo Hưng.

Luật sư còn cho rằng, dù VKS đã ghi nhận 4 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, nhưng mức án đề nghị là quá nghiêm khắc, chưa xem xét tình tiết giảm nhẹ. Cần đánh giá mức độ hành vi của bị cáo. Bị cáo mong muốn Ngân hàng SCB tái cơ cấu thành công và phát triển ổn định, nên trong quá trình làm việc có hành vi sai phạm.

Đặc biệt, không có sự thỏa thuận về việc đưa và nhận tiền để thay đổi quyết định thanh tra. Nội dung gặp gỡ giữa Trương Mỹ Lan và bà Nhàn, bà Lan đã xác nhận là gặp để trao đổi nội dung liên quan đến công việc, làm sao để nhanh chóng kết thúc thanh tra để Ngân hàng SCB tái cơ cấu thành công.

“Việc nhận và đưa tiền diễn ra sau khi kết thúc thanh tra, có thể coi trách nhiệm thanh tra của bị cáo đã hoàn thành. Hơn nữa, việc chỉnh sửa số liệu trong kết luận thanh tra là nhận chỉ đạo từ cấp trên. Điều này có thể thấy, sự cố ý của bị cáo là không rõ ràng, không thể hiện sự tích cực trong hành vi phạm tội. Bị cáo cũng đã rất ăn năn và hối hận về việc làm của mình, đề HĐXX xem xét theo hướng có lợi cho bị cáo”, luật sư đề nghị.

Trình bày trước tòa sau phần bào chữa của các luật sư, bị cáo Nhàn cho hay, bị cáo ăn năn và xấu hổ về hành vi của mình. Bản thân bị cáo đã rất nỗ lực chuộc tội bằng việc phối hợp với cơ quan điều tra, nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận.

“Các luật sư đã trình bày nội dung bào chữa, bị cáo mong HĐXX cho bị cáo được hưởng đầy đủ sự khoan hồng để bị cáo sớm trở lại với gia đình. 'Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại' theo văn hóa của dân tộc Việt”, bị cáo Nhàn nói.

Trước đó, trong phần trả lời thẩm vấn, bà Nhàn khai, đã nhận tiền từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, nhưng vẫn giữ nguyên chưa sử dụng. Những lần ông Văn chuyển hộp xốp (chứa 5,2 triệu USD) đến cũng không nói là ai chuyển, chỉ nói là cảm ơn. Bà Nhàn đã nhiều lần liên hệ bị cáo Văn để trả lại nhưng không được.

Đồng thời, bị cáo Nhàn khai "làm theo chỉ đạo của anh Hưng", tức bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra NHNN).

Bị cáo Hưng là người ra quyết định thanh tra, chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của đoàn thanh tra tại SCB. Trong vụ án, bị cáo Hưng cũng bị cáo buộc nhận 390.000 USD của bà Trương Mỹ Lan. Khi nhận được giấy triệu tập của Văn phòng Chính phủ, bị cáo Nhàn nói với Hưng đã có 3 tờ trình xin ý kiến lãnh đạo của NHNN. Theo kết quả thanh tra, SCB đã rơi vào nhóm 3 - 5, Hưng chỉ đạo chỉnh vào nhóm 1.

Bị cáo Nhàn cũng khai, quá trình nhận tiền 4 lần tổng 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn đều đúng như cáo trạng đề cập.

“Trong suốt thời gian thanh tra, bị cáo không nhận bất cứ quà gì của SCB. Sau khi bị cáo đã hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra, có báo cáo đầy đủ sai phạm của SCB thì Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền cho bị cáo. Bị cáo không lấy thì Văn nói đừng làm khó người cũng như làm khó chính mình. Bị cáo nghe nói bạn của Văn là công an nên bị cáo rất sợ, bị cáo gọi nhiều lần cho Văn trả lại tiền nhưng không được”, bà Nhàn khai.

Bị cáo này còn bổ sung thêm, khi biết tin Võ Tấn Hoàng Văn bị bắt, đã định mang số tiền này đi nộp lại, nhưng do có nhiều yếu tố tác động, cộng thêm bận việc gia đình nên bà đã gửi số tiền này về nhà người thân ở Nam Định. Người thân không biết bên trong có gì.

Số tiền này bị cáo nhận một mình và không đưa cho các thành viên trong đoàn thanh tra và cũng không đưa cho cấp trên.

Khai trước tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho rằng, trong thời gian thanh tra tại Ngân hàng SCB, bị cáo có gặp bà Đỗ Thị Nhàn 2 lần. Lý do gặp là vì Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) hối gặp để đẩy nhanh tiến độ thanh tra.

Tin bài liên quan