Bên cạnh đó, vấn đề cấp thiết đặt ra từ câu chuyện này là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, làm cơ sở cho việc tính thuế rõ ràng, minh bạch tại các DN.
“Cần coi các bên bình đẳng trước pháp luật”
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Còn nếu coi đây là cơ sở để kết luận doanh nghiệp sai và truy thu thì tôi nghĩ là khó, vì bản thân các quy định trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện hành chưa thực rõ ràng. Luật phải hoàn thiện đi đã thì mới có cơ sở để kết tội doanh nghiệp.
Để kết luận một cách hợp lý và công bằng, nên có sự thảo luận và có ý kiến của các luật sư và công ty kiểm toán, tránh tạo ra tiền lệ quy kết thế này thì tất cả các doanh nghiệp sản xuất bia khác cũng sẽ phải nộp truy thu thuế. Vì như vậy, cuối cùng, người tiêu dùng phải gánh chịu.
Về phía Sabeco, theo tôi, nên có công văn xin xem xét lại theo quy trình phúc thẩm chẳng hạn, đồng thời mời các công ty luật tham gia xem xét để làm rõ vấn đề. Ngoài ra, trong bất kỳ tranh chấp nào, cần coi các bên đều bình đẳng trước pháp luật, cả Sabeco và Kiểm toán Nhà nước đều bình đẳng, trên cơ sở đó rồi có ý kiến. Không nên cho rằng Kiểm toán Nhà nước có kết luận như vậy đã là quyết định cuối cùng và những lý do Sabeco nói ra không chính đáng. Làm như vậy là không công bằng cho doanh nghiệp.
Câu chuyện này cũng là trường hợp điển hình thể hiện sự thiếu minh bạch rõ ràng của pháp luật. Lâu nay, các cơ quan kiểm toán, thuế không phát hiện ra thì doanh nghiệp vẫn vận dụng cách hạch toán thuế như vậy, nhưng khi phát hiện ra thì lại bảo doanh nghiệp sai. Như vậy là không nhất quán và không công bằng.
“Nếu Sabeco làm sai thì cơ quan thuế cũng có lỗi”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Nếu đúng là Sabeco cố ý làm sai thì bản thân cơ quan thuế cũng có lỗi, vì tại sao quyết toán thuế hàng năm không phát hiện, mà lại phải chờ đến tận bây giờ, Kiểm toán Nhà nước mới phát hiện và yêu cầu truy thu. Như vậy, cơ quan thuế cũng có phần làm chưa đúng nếu không nói là trốn tránh và thậm chí là đồng lõa. Nếu xử lý Sabeco thì cũng cần phải xem xét xử lý trách nhiệm của cơ quan thuế.
Theo tôi, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận và đề xuất cũng phải có căn cứ. Nếu kết luận của Kiểm toán Nhà nước sai thì Kiểm toán Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm và trong trường hợp này, Sabeco hoàn toàn có thể kiện.
Thực chất trong câu chuyện này tôi cho rằng Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt cũng có vấn đề. Việc Kiểm toán Nhà nước đưa ra kiến nghị thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm cần xem xét hợp lý trách nhiệm của tất cả các bên. Hiện nay, căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa rõ ràng, thì quan trọng là cần phải hoàn thiện lại quy chuẩn quy định này để làm cơ sở tính thuế cho rõ ràng hợp lý. Bởi thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn là đánh vào người tiêu dùng, nên nếu không có cơ sở xem xét rõ ràng thì người tiêu dùng cuối cùng vẫn là người chịu thiệt.
“Câu chuyện lớn nhất là hệ thống pháp luật thiếu rõ ràng”
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico
Theo tôi, câu chuyện lớn nhất ở đây là hệ thống pháp luật thiếu rõ ràng, dẫn đến việc có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau. Đặc biệt là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nguyên tắc rất chung chung và công văn, văn bản hướng dẫn luật thì rất nhiều.
Hệ lụy của điều này là cùng một hiện tượng như vậy mà luật chưa quy định rõ thì hoàn toàn có thể nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Nói là vi phạm lách luật trốn thuế cũng được, mà nói vận dụng linh hoạt cũng không sai.
Khi nào cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định về việc này đưa ra quyết định cuối cùng trên cơ sở luật đã thực sự rõ ràng, minh bạch thì mới có thể hoàn toàn chấp nhận. Song trong điều kiện quy định luật pháp còn chưa rõ ràng như hiện nay, về nguyên tắc, cái gì chưa rõ thì nên đưa ra quyết định theo hướng có lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Còn nếu luật chưa rõ mà bản thân doanh nghiệp nhìn nhận rằng họ đã làm đúng luật, trong khi cơ quan chức năng cứ bảo họ làm sai và quyết định theo ý kiến một chiều của cơ quan chức năng thì e rằng đây là sự áp đặt.
Thiết nghĩ, cần hướng tới hoàn thiện pháp luật để thực hiện theo pháp luật. Nếu cá nhân, doanh nghiệp làm dở thì cá nhân, doanh nghiệp đó phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, còn nếu pháp luật dở thì không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu doanh nghiệp.
Đối với trường hợp Sabeco, theo tôi, phát hiện đến đấy thì cũng cần cảnh báo nhắc nhở và sửa sai bằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chứ không thể dứt khoát đòi xử lý và truy thu số thuế 408 tỷ đồng, vì đây là hệ lụy của sự yếu kém trong hệ thống pháp luật.