Vũ Trọng Nghĩa, CEO Bizzi: Đem lại giá trị thực sự là yếu tố tiên quyết

Trở về nước sau thời gian học cao học tại Mỹ, Vũ Trọng Nghĩa, đồng sáng lập và CEO của Bizzi muốn góp phần tạo ra giá trị thực sự cho bài toán chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Vũ Trọng Nghĩa, đồng sáng lập, giám đốc điều hành Bizzi.

Vũ Trọng Nghĩa, đồng sáng lập, giám đốc điều hành Bizzi.

Góp phần chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới khi các thành tựu khoa học - công nghệ hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống. Đối với các doanh nghiệp, việc chuyển đổi số góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh và năng lực của doanh nghiệp trên thị trường.

Theo khảo sát gần đây của Công ty Dữ liệu quốc tế - IDC (Mỹ), chuyển đổi số ở Việt Nam đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau, từ tìm hiểu, nghiên cứu, tới việc bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát coi chuyển đổi số là vấn đề sống còn...

Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng nhu cầu về các giải pháp hỗ trợ làm việc từ xa, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số của doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát gần đây đối với 137 giám đốc công nghệ thông tin do OpsRamp thực hiện, việc chuyển đổi số đã đột nhiên trở thành ưu tiên hàng đầu trong các ưu tiên kinh doanh.

Nhìn thấy xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và hóa đơn điện tử đang được đẩy mạnh thực hiện, khi trở về Việt Nam sau thời gian học MBA tại Mỹ (theo học bổng Fulbright), Vũ Trọng Nghĩa và một số đồng nghiệp đã chớp thời cơ thành lập Bizzi - một nền tảng cung cấp giải pháp xử lý tự động hóa đơn điện tử.

“Tôi nhận thấy có nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp. Khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế dành cho công nghệ, thì rất cần các giải pháp phù hợp. Trong khi đó, đội ngũ của chúng tôi có thể mang lại giải pháp tối ưu thực sự có giá trị cho họ”, Nghĩa chia sẻ.

Xác định sứ mệnh đem tự động hóa và số hóa vào khâu vận hành của bộ phận tài chính - kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nền tảng Bizzi đã chính thức ra mắt thị trường vào tháng 2/2020.

Theo CEO Bizzi, hệ thống của Bizzi được xây dựng trên nền tảng công nghệ Robotic Process Automation (công nghệ tự động hóa bằng robot phần mềm), giúp bộ phận kế toán tăng năng suất, giảm 80% thời gian, với chi phí chỉ bằng 10% so với xử lý thủ công và tránh được các sai sót trong khâu kiểm tra, nhập liệu khi xử lý khối lượng lớn hóa đơn. Với nền tảng công nghệ hiện đại, hệ thống của Bizzi có thể xử lý 1.000 hóa đơn điện tử trong 30 giây.

Để tăng thêm tiện ích cho người dùng trên hệ thống, khách hàng được tạo một email riêng để nhận hóa đơn điện tử đầu vào. Khi hóa đơn điện tử được gửi đến hộp thư này, phần mềm sẽ hoạt động như người kế toán cần mẫn, tự động làm các tác vụ như tải, tra cứu hóa đơn, kiểm tra thông tin và tính hợp lệ, lưu trữ...

“Chúng tôi muốn mang công nghệ đến doanh nghiệp nhằm giải phóng con người khỏi các công việc thủ công tốn thời gian để tập trung vào những việc tạo ra giá trị cao hơn”, CEO Bizzi tâm sự.

Tăng tốc mở rộng tính năng

Chọn thị trường chuyển đổi số trong doanh nghiệp để khởi nghiệp, cụ thể là thị trường hóa đơn điện tử, Nghĩa cho biết, đây là một thị trường lớn và ngày càng gia tăng. Mỗi năm có thêm hơn 120.000 doanh nghiệp mới. Hiện nay, đã có không ít doanh nghiệp công nghệ tham gia thị trường này như VNPT, Viettel, FPT…

Tôi luôn tâm niệm những việc mình làm phải tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng, nhân viên, cổ đông. Chính vì vậy, khi bắt tay vào công việc, tôi luôn đặt giá trị là yếu tố tiên quyết.

- Vũ Trọng Nghĩa, đồng sáng lập và CEO Bizzi   

Thêm vào đó, lộ trình chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử đã được xác định rõ tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn điện tử và Thông tư 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Hiện tại, có gần 93% doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Đây chính là cơ hội để Bizzi có thể tiến sâu giành thị phần.

Có thị trường lớn để vùng vẫy, cộng thêm nền tảng công nghệ hiện đại, nhưng là một công ty khởi nghiệp, nên Bizzi gặp không ít thách thức. Theo Nghĩa, khó khăn nhất với đội ngũ Bizzi lúc này là cân bằng áp lực thời gian khi có quá nhiều việc phải làm. Để bước qua thời kỳ khó khăn này, cách duy nhất mà anh nghĩ tới là cố gắng tập trung và chia nhỏ công việc để giải quyết từng việc một.

“Đứng trước khó khăn, ngoài cách giải quyết của cá nhân là tập trung vào công việc, tôi thấy mình may mắn bởi có sự đồng lòng của cộng sự, được các đối tác tin cậy, nhà đầu tư uy tín và có cùng tầm nhìn hỗ trợ trong thời gian bắt đầu khởi nghiệp”, CEO Bizzi chia sẻ.

Sau thời gian ngắn ra mắt, hiện tại, Bizzi phục vụ hàng trăm doanh nghiệp, cả lớn lẫn nhỏ. Điển hình là nhà cung cấp dịch vụ mở rộng thị trường DKSH Việt Nam, nhà phân phối sản phẩm dinh dưỡng 3A Nutritions, chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc GS25, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Guardian, Tập đoàn Tín Nghĩa (Đồng Nai), cùng nhiều công ty dịch vụ tư vấn kế toán, thuế...

Vừa qua, Bizzi đã gọi vốn thành công từ Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam.

Nghĩa chia sẻ, số vốn đầu tư này cho phép doanh nghiệp tăng tốc phát triển. Trong năm 2020, Bizzi tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu giải pháp đến với cộng đồng doanh nghiệp và phát triển những tính năng mới cho sản phẩm.

Tin bài liên quan