Như Đầu tư Chứng khoán đã thông tin về xét xử tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa Agribank và CTCP Máy và thiết bị dầu khí (PV Machino), tại phiên tòa phúc thẩm, Agribank tiếp tục khẳng định hợp đồng mua bán thép mà Agribank đã phát hành chứng thư bảo lãnh là hợp đồng “ma”.
Cụ thể, PV Machino đã ký hợp đồng bán 4.200 tấn phôi thép với đơn giá hơn 17,7 triệu đồng/tấn, tổng giá trị hợp đồng là 70,4 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thương mại và khai thác khoáng sản Đức Hùng.
Agribank Chi nhánh Hồng Hà đã phát hành chứng thư bảo lãnh với số tiền không vượt quá 70,4 tỷ đồng trong thời hạn 125 ngày.
Trong cùng 1 ngày, PV Machino, Công ty Đức Hùng và Agribank Chi nhánh Hồng Hà đã hoàn tất mọi việc từ ký hợp đồng mua bán, phát hành chứng thư bảo lãnh, giao nhận hàng hóa… với tổng giá trị là 70,2 tỷ đồng.
Sau đó, phía Đức Hùng mới chỉ thành toán cho PV Machino 25,7 tỷ đồng rồi không trả nữa. Do đó, PV Machino đã yêu cầu Agribank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng bị Agribank từ chối.
PV Machino đã đệ đơn khởi kiện đề nghị tòa án buộc Agribank phải thanh toán 44,7 tỷ đồng tiền gốc và 16,6 tỷ đồng tiền lãi.
Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện và tuyên buộc Agirbank phải trả 44,7 tỷ đồng tiền gốc và 10,7 tỷ đồng tiền lãi.
Agribank đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án vì cho rằng, giao dịch giữa Công ty Đức Hùng và PV Machino thực tế chỉ là giao dịch trên giấy tờ. Hơn nữa, ông Đỗ Đức Hưng, người ký chứng thư bảo lãnh đã vi phạm hàng loạt quy định về tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, Agribank viện dẫn Bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra – Bộ Công an về vụ án Đỗ Đức Hưng cùng đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Kết luận điều tra thể hiện rõ, cựu Giám đốc Agribank Hồng Hà Đỗ Đức Hưng đã có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, nhất là vấn đề bảo lãnh thanh toán cho một số doanh nghiệp.
Trong đó, việc mua bán 4.185 tấn phôi thép giữa Công ty Dầu khí và Công ty Đức Hùng là một giao dịch lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp khác chỉ để nhằm xuất hóa đơn GTGT.
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía PV Machino cho rằng, Agribank đã cam kết bảo lãnh thì khi Công ty Đức Hùng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Agribank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Việc ông Đỗ Đức Hưng ký chứng thư bảo lãnh có vượt thẩm quyền hay không đó là việc nội bộ của ngân hàng, PV Machino không có nghĩa vụ phải biết.
Trong khi đó, đại diện bị đơn tiếp tục giữ nguyên nội dung và quan điểm kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm, đồng thời, đề nghị ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ phiên xét xử Đỗ Đức Hưng xong.
Đáng chú ý, Đỗ Hữu Bách, Giám đốc Công ty Đức Hùng vào thời điểm công ty này ký kết hợp đồng mua phôi thép của PV Machino đã có mặt tại phiên xử phúc thẩm.
Ông Bách Hùng không thừa nhận chữ ký trong hợp đồng mua bán thép là của mình và trình bày không biết phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào lúc nào, vì không nhận được giấy triệu tập của TAND huyện Từ Liêm (cũ). Nhưng trong hồ sơ vụ án lại có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm của ông Bách.
Phía Agribank đã có đơn xin giám định chữ ký của ông Bách trên các văn bản liên quan.
Đồng thời, đại diện Agribank cũng trình bày, việc vừa ký hợp đồng mua bán, vừa cấp chứng thư bảo lãnh, vừa giao nhận hàng hóa trong cùng một ngày là vô lý.
Thứ nhất, quy trình cấp chứng thư bảo lãnh của ngân hàng rất phức tạp, gồm nhiều công đoạn, nhiều việc, phải thẩm định hợp đồng, hồ sơ… không thể làm xong ngay trong ngày ký hơp đồng mua bán.
Thứ hai, việc giao nhận hơn 4.000 tấn thép và xuất hóa đơn trong chỉ một ngày khó có thể thực hiện.
Phía PV Machino đã từ chối trả lời về bản hợp đồng mua bán phôi thép, từ chối trả lời về nguồn gốc 4.185 tấn phôi thép bán cho Công ty Đức Hùng và từ chối trả lời về phiếu xuất kho.
PV Machino khẳng định, Agribank đã phát hành bảo lãnh thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình, còn sai phạm của Đỗ Đức Hưng thế nào thì đó là việc nội bộ ngân hàng và ông Hưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc diễn biến vụ việc.