Sau nhiều lần tạm hoãn, từ ngày 4/5, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử đối với các bị cáo Hồ Văn Hải (cựu Giám đốc Halico), Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Nội) và 4 đồng phạm gồm: Hoàng Văn Xưởng - cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân (Hoàng Lân), Đinh Thị Minh Hoa (vợ Xưởng), Nguyễn Thị Quỳnh Trang - cựu chuyên viên Phòng Phát triển thị trường Halico, Nguyễn Thị Thủy - cựu nhân viên ngân hàng.
Theo cáo trạng, năm 2008, Công ty Hoàng Lân được Halico chấp thuận làm trung gian xuất khẩu rượu Vodka sang Lào. Rượu xuất khẩu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vợ chồng Xưởng nảy sinh ý định mua rượu xuất khẩu, bán trong nước.
Từ ngày 17 - 30/12/2008, Halico đã cung cấp cho đối tác 5.070 thùng rượu Vodka để xuất khẩu sang Lào. Vợ chồng Xưởng không thực hiện như cam kết, mà bán rượu tại Hà Nội.
Tháng 9/2009, khi kiểm tra thị trường, Nguyễn Thị Quỳnh Trang phát hiện Công ty Hoàng Lân bán rượu xuất khẩu trong nước nên thỏa thuận được chia một phần lợi nhuận. Trang và Xưởng đã báo cáo với Hải đã chuyển rượu sang Lào nhưng một phần tiêu thụ trong nước kiếm lời và được Hải dừng lại.
Vụ việc chỉ dừng lại khi một số đại lý rượu trong nước phát hiện và phản đối. Nhưng một thời gian ngắn sau, Hải nối lại hợp đồng mua bán với vợ chồng Xưởng.
Halico đã bán cho Công ty Hoàng Lân tổng cộng 100.902 thùng rượu Vodka Hà Nội các loại, trị giá 46,7 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp tiêu thụ nội địa hơn 46.300 thùng rượu.
Ngoài ra, vợ chồng Xưởng còn liên hệ trực tiếp với Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) để mua bia xuất khẩu rồi bán trong nước.
Hợp thức số rượu tiêu thụ trong nước, các bị cáo còn lại giúp thực hiện các thủ tục kê khai hải quan. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 13,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Theo truy tố, sau thời gian tạm dừng, tháng 10/2010, trong buổi khai trương văn phòng Halico tại Lào, Xưởng xin Hải tiếp tục ký lại hợp đồng. Hải đồng ý và dặn Xưởng gặp Nguyễn Hồng Tiến (Trưởng phòng Phát triển thị trường Halico) để bàn thống nhất vì Tiến đã biết việc Công ty Hoàng Lân tiêu thụ rượu xuất khẩu trong nước.
Xưởng đã gặp Tiến và được Tiến đồng ý. Tiến hướng dẫn Xưởng làm đơn xin. Để tránh các đại lý khác phát hiện, Tiến và Trang bàn bạc, thống nhất để Trang và Hoa lo thủ tục, giấy tờ xuất khẩu. Tiến được chia 22.000 đồng/thùng rượu và chịu trách nhiệm chi hoa hồng cho Hải.
Tại các phiên tòa trước đây và phiên tòa mới đây, bị cáo Hải đều kêu oan. Một số lời khai thể hiện, trước khi quyết định ký kết hợp đồng xuất khẩu rượu sang Lào với Công ty Hoàng Lân, ông Hải nhận được sự đề xuất từ cấp dưới là ông Nguyễn Hồng Tiến.
Bị cáo Hải cho rằng, việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Hồng Tiến là bỏ lọt tội phạm. Bởi vì Tiến là người trực tiếp bàn bạc, thực hiện việc trốn thuế với Công ty Hoàng Lân và có hưởng lợi. Mặt khác, quyết định bán rượu cho Công ty Hoàng Lân là ý kiến tập thể, được thực hiện sau khi có cuộc họp thống nhất giữa lãnh đạo công ty và Phòng Phát triển thị trường. Bị cáo Hải kêu oan vì không chỉ đạo, tham gia bàn bạc ăn chia.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hải lập luận, trong vụ án này không có chứng cứ trực tiếp chứng minh bị cáo Hải biết Công ty Hoàng Lân bán rượu xuất khẩu.
Đại diện Công ty Halico khẳng định, việc công ty xem xét và ký hợp đồng bán rượu cho Công ty Hoàng Lân là đúng quy trình.
VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án đối với bị cáo Hải từ 7-8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị cáo còn lại từ 24-36 tháng tù treo về tội trốn thuế.
Dự kiến ngày 8/5 tới, HĐXX sẽ tuyên án.