Tại văn bản này, các công ty trên tiếp tục khẳng định, không liên quan đến vụ án “Dũng mặt sắt” và đồng bọn buôn lậu, vận chuyển ô tô đã qua sử dụng qua biên giới.
“Các đối tác giao dịch với chúng tôi tại Hongkong, Trung Quốc đều là các đối tác lâu năm, làm ăn có uy tín. Việc Tổng cục hải quan xác minh, kết luận các đối tác này không có thật là không khách quan vì chúng tôi không hiểu quá trình xác minh này có chu đáo, cẩn thận và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hay không”, văn bản nêu.
Cũng theo 3 công ty này, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất sang Trung Quốc đều là làm dịch vụ cho Trung Quốc để hưởng hoa hồng, việc thanh toán đều do phía nước ngoài tự thanh toán với nhau.
“Nếu các lô hàng của chúng tôi bị tịch thu chỉ vì lý do chúng tôi không phải là chủ sợ hữu thực sự theo cách hiểu của các cơ quan quản lý thì sẽ tạo ra một sự hoảng loạn với hàng ngàn doanh nghiệp đang kinh doanh tạm nhập tái xuất như chúng tôi. Các đối tác nước ngoài sẽ không dám làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất vì sợ hàng hoá sẽ bị tịch thu bất cứ lúc nào”, các công ty trên cho biết.
Việc Tổng cục hải quan xác minh, kết luận các đối tác này không có thật là không khách quan vì chúng tôi không hiểu quá trình xác minh này có chu đáo, cẩn thận và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hay không.
Ngoài ra, các công ty này cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi rất hoang mang khi đọc thông tin rằng toàn bộ lô hàng sẽ bị tịch thu. Vụ việc kéo dài đến nay cũng đã gần 3 năm, cơ quan điều tra đã có kết luận 23/24 xe ô tô không vi phạm pháp luật”.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ra các quyết định thu thu các lô hàng trên.
Cách đây 3 năm, vào ngày 5/5/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tiến hành phá chuyên án “Dũng mặt sắt”, bắt giữ một loạt xe ô tô tạm nhập tái xuất của Công ty TNHH Tuấn Đông tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh và xe của Công ty cổ phần thương mại quốc tế NC.
Tại thời điểm này, cơ quan hải quan đã tiến hành rà soát toàn bộ ô tô tạm nhập tái xuất đang tồn ở Việt Nam, trong đó có 26 xe ô tô trị giá hàng chục tỷ đồng (gồm nhiều xe hạng sang như Lexus, Range Rover, Vitara, Mercedes...) đã làm thủ tục hải quan đang chờ xuất sang Trung Quốc của 4 doanh nghiệp trên do nghi ngờ liên quan tới đường dây "Dũng mặt sắt".
Trong quá trình điều tra xác minh, Viện khoa học hình sự - Bộ Công An phát hiện có một chiếc Mercedes S500 đã qua sử dụng thuộc diện hàng hóa tạm ngừng tạm nhập tái xuất và kinh doanh do Công ty Trường Giang ở Móng Cái làm thủ tục. Sau đó chiếc xe này đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ xử lý theo quy định.
Điểm chung là các doanh nghiệp trên cùng chỉ làm dịch vụ để hưởng tiền dịch vụ, thực tế không thanh toán tiền mua và bán hàng như ghi trong hợp đồng. Các doanh nghiệp đều thừa nhận họ không phải là chủ sở hữu của lô hàng. Do vậy, không xác định được chủ sở hữu thực sự.
Cơ quan hải quan đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở hải quan, nhưng đến nay đã quá thời hạn, chủ sở hữu của các lô hàng vẫn không đến nhận.
Trong một công văn trả lời các doanh nghiệp trước đó, Bộ Tài chính cho biết, qua quá trình điều tra của cơ quan hải quan và sau khi cơ quan điều tra công an Quảng Ninh ra quyết định không khởi tố vụ án do không xác định được chủ sở hữu, các doanh nghiệp trên chỉ bị xử phạt hành chính.