Vụ thủ quỹ ngân hàng tham ô: Ngân hàng đã được bảo hiểm

(ĐTCK) Ngày 20/11, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Chu Việt Hà, nguyên thủ quỹ Phòng giao dịch Hàm Long, thuộc chi nhánh Thăng Long, Ngân hàng Agribank.
Bị cáo Chu Việt Hà tại phiên tòa sáng 20/11

Bị cáo Chu Việt Hà tại phiên tòa sáng 20/11

Thủ quỹ thụt két

Theo cáo buộc, Chu Việt Hà là thủ quỹ phòng giao dịch Hàm Long. Theo quy định nội bộ, thủ quỹ có nhiệm vụ thu tiền gửi tiết kiệm, tiền trả nợ vay của khách hàng; quản lý, bảo quản giấy tờ có giá như sổ đỏ, sổ tiết kiệm của khách hàng… Toàn bộ tài sản này được quản lý tại két.

Với nhiệm vụ của mình, cuối ngày, Hà phải vào sổ sách, thực hiện trên máy tính và đóng tiền theo thếp, bó; niêm phong, ký xác nhận số lượng tiền rồi trực tiếp bàn giao cho cán bộ Trung tâm dịch vụ ngân quỹ theo biên bản bàn giao.

Bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm về số lượng tiền đã niêm phong. Đầu giờ làm việc hôm sau bị cáo nhận lại tiền để quản lý.

Ngày 11/9/2008, Trung tâm dịch vụ ngân quỹ thực hiện kiểm đếm số tiền phòng giao dịch chuyển về Trung tâm.

Qua kiểm đếm, Trung tâm phát hiện thiếu tiền và lẫn tiền khác mệnh giá. Cụ thể, có 2/3 bó tiền mệnh giá 500.000 đồng bị thiếu 357 triệu đồng, trong đó lẫn 846 tờ loại tiền mệnh giá 100.000 đồng; lẫn 12 tờ loại mệnh giá 20.000 đồng.

Tiếp đó, chi nhánh kiểm tra kho quỹ đột xuất thì phát hiện bị hụt số tiền 908 triệu đồng. Tổng số tiền bị can chiếm đoạt là hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngân hàng tiếp tục rà soát, phát hiện các tài sản có giá do Hà quản lý thiếu 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng đang thế chấp tại ngân hàng.   

Khi vụ việc bị phát hiện, Hà không đến cơ quan và trốn truy nã cho tới tháng 4/2019, đối tượng ra đầu thú.

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận trong thời gian làm thủ quỹ, bị cáo vay nợ, làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ nên rút tiền của ngân hàng để trả nợ chi tiêu cá nhân.

Còn với 3 quyển sổ đỏ bị mất, bị can khẳng định không biết và không mang những giấy tờ trên ra ngoài.

Ngân hàng đã được bảo hiểm chi trả

Tòa án đã triệu tập CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp ABIC tới phiên tòa. Theo trình bày của đại diện ABIC, năm 2008, ABIC và Ngân hàng có ký kết hợp đồng bảo hiểm. Khi sự việc xảy ra, Ngân hàng đã báo tổn thất với công ty. Đến năm 2011, ABIC đã chi trả toàn bộ số tiền thiệt hại 1,2 tỷ đồng cho ngân hàng. Tiếp đó, ngân hàng đã có văn bản thế quyền cho ABIC.

Tại phiên tòa, đại diện ABIC đề nghị Tòa án giải quyết vụ việc theo pháp luật đảm bảo quyền lợi cho ABIC.

Đại diện ngân hàng thừa nhận lời khai của ABIC và cho biết ngân hàng đã có văn bản thế quyền, việc khắc phục hậu quả trả cho ABIC.

Đại diện ngân hàng cho biết, sau khi sự việc xảy ra Chi nhánh đã họp kiểm điểm đối với Giám đốc, Phó giám đốc Phòng Giao dịch Hàm Long và 2 nhân sự này đã bị miễn nhiệm, chuyển xuống làm chuyên viên.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định, giám đốc và phó giám đốc phòng giao dịch phụ trách kế toán, ngân quỹ đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các cá nhân này được áp dụng các tình tiết có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết 41/2017 thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, trả lời HĐXX, đại diện ngân hàng cho biết, theo quy định, phân công, phân nhiệm của ngân hàng, Giám đốc chịu trách nhiệm về toàn bộ mọi việc ở Phòng giao dịch. Giám đốc Phòng Giao dịch phải chịu trách nhiệm khi để sự việc xảy ra. Phó giám đốc phụ trách kế toán cũng có trách nhiệm liên quan.

Ngoài ra, về 3 sổ đỏ, ngân hàng đã phối hợp với khách hàng là 2 công ty trong lĩnh vực xây dựng và công nghệ để liên hệ với các sở, ban ngành xin cấp lại giấy tờ. Hai doanh nghiệp trên đã được cấp lại sổ đỏ và tất toán các khoản vay tại ngân hàng nên không có khiếu kiện gì.

Với kết quả xét hỏi như trên và căn cứ trên hồ sơ vụ án, HĐXX đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ trách nhiệm của Giám đốc, Phó giám đốc phòng giao dịch Hàm Long.                                                 

Tin bài liên quan