Vụ thu phí cảng biển Hải Phòng: 7 hiệp hội tiếp tục kêu cứu Thủ tướng

Vụ thu phí cảng biển Hải Phòng: 7 hiệp hội tiếp tục kêu cứu Thủ tướng

(ĐTCK) Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc thu phí cảng biển Hải Phòng. Văn bản này cũng được 6 hiệp hội ngành hàng đồng ký tên.

Sáu hiệp hội ngành hàng cùng đứng đơn với VPSF bao gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

Văn bản đồng kiến nghị gửi Thủ tướng khẳng định rõ, mặc dù Luật Phí và lệ phí cho phép Hải Phòng được thu phí hạ tầng cửa khẩu cảng, nhưng việc ban hành và áp dụng mức phí này có dấu hiệu vi phạm một số điểm của Luật Phí và lệ phí, Pháp lệnh Đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia (Việt Nam nội luật hóa trên cơ sở các cam kết WTO), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo các hiệp hội, có nhiều vấn đề cần xem xét trong quá trình ban hành Nghị quyết 148 của Hải Phòng, như các hiệp hội chủ hàng và vận tải đều không được lấy ý kiến trong quá trình ban hành Nghị quyết; Hải Phòng không đánh giá tác động với thủ tục hành chính, không đăng tải dự thảo văn bản trên Cổng thông tin điện tử Thành phố tối thiểu 30 ngày theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Bên cạnh đó, mức phí này bất hợp lý, thể hiện ở chỗ khoảng cách từ cảng Hải Phòng đến đường cao tốc hay Quốc lộ 5 chỉ trong vòng 20 km, nhưng mức phí lên tới 500.000 đồng/container 40 feet, tương đương với phí cầu đường của toàn bộ Quốc lộ 5 về Hà Nội và bằng 50% mức phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong khi khoảng cách chỉ bằng một phần năm.

Các hiệp hội khẳng định, Quyết định của Hải Phòng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của hàng nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc nguồn ngân sách trung ương. Đại diện VPSF cho biết, kết quả khảo sát mới nhất các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan tới các thủ tục tại cảng Hải Phòng cho thấy, có 27% doanh nghiệp đã bị giảm lợi nhuận trên 15%; 20% doanh nghiệp giảm lợi nhuận từ 5 - 10%; 40% doanh nghiệp giảm lợi nhuận từ 1 - 5%.

Để ứng phó tình trạng này, kết quả khảo sát cho thấy 30% doanh nghiệp sẽ tăng giá bán để bù đắp chi phí phát sinh, 16,7% doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất - kinh doanh, cắt giảm lao động và chi phí.

“Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng phần lớn thuộc phần lớn thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, bông sợi... là các đơn vị sử dụng lượng lao động rất lớn. Riêng nhân công ngành dệt may và da giày trên toàn quốc đã tầm 4 triệu người. Như vậy, tỷ lệ cắt giảm lao động dù rất nhỏ thì cũng là con số hàng nghìn người”, văn bản kiến nghị nêu rõ.

Trên cơ sở các phân tích, 7 hiệp hội tiếp tục kiến nghị Thủ tướng tạm dừng thi hành Nghị quyết 148 của UBND thành phố Hải Phòng, chỉ đạo các bộ liên quan, UBND thành phố Hải Phòng tính đúng, đủ mức phí theo quy định của pháp luật hiện hành; đánh giá tác động trong cộng đồng doanh nghiệp để cân đối với các chiến lược kinh tế tổng thể khác.

Để có căn cứ đầy đủ, khách quan giúp Thủ tướng ra quyết định, 7 hiệp hội đề xuất bổ sung ít nhất một đại diện tham gia đoàn công tác do Bộ Tài chính chủ trì để làm việc với UBND thành phố Hải Phòng theo tinh thần Công văn số 1630/VPCP-KTTH ngày 24/2/2017. Đồng thời, kiến nghị tổ chức một cuộc họp tham vấn, đối thoại chính sách công khai, khách quan giữa Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về vấn đề thu phí của Hải Phòng đặt trong các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các chiến lược quốc gia về phát triển logistics, thúc đẩy sức cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư... để thảo luận tìm kiếm giải pháp phù hợp cho các bên liên quan.      

Tại Công văn số 1630/VPCP-KTTH ngày 24/2/2017, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các bộ, ngành có liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và UBND thành phố Hải Phòng rà soát xem xét cụ thể về mức thu, đối tượng nộp phí, tình trạng chồng lấn, trùng lắp (nếu có) và việc thực hiện thu phí của thành phố Hải Phòng đảm bảo phù hợp với Luật Phí và lệ phí, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017.

Ông Phan Vinh Quang, Phó Giám đốc dự án phát triển khu vực tư nhân, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Theo quy định của WTO, việc tính chi phí ngoài thuế xuất nhập khẩu phải dựa vào chi phí cung cấp dịch vụ. Có nghĩa là nếu chi phí dịch vụ bỏ ra 3 đồng thì cũng chỉ được thu 3 đồng. Nếu lạm thu sẽ có thể bị kiện ra WTO như trường hợp của Hoa Kỳ đã từng bị kiện năm 1997. Đối với trường hợp thu phí cảng biển tại Hải Phòng, việc thu phí phải có căn cứ xác đáng nếu không Việt Nam sẽ có thể sẽ bị kiện theo quy định này. Mặt khác, để đánh giá năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, trong đó yêu cầu giảm thời gian thông quan hàng hóa. Nếu chi phí này tiếp tục tăng lên thì sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Tin bài liên quan