Có dấu hiệu lừa đảo?
Theo thông báo của BIDV, ngày 29/11/2011, Tamexim đã thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ số 33 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP. HCM (Dự án The Harmona) cho Ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay của CTCP Thanh Niên (Thanh Nien Corp).
Thông báo này đã khiến cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại chung cư này bàng hoàng, bởi họ đã mua nhà và sinh sống ổn định tại đây hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, hiện cư dân vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao Giấy chứng nhận sở hữu nhà (sổ hồng).
Đáng lưu ý, Tamexim bán căn hộ cho khách hàng sau khi đã thế chấp Dự án The Harmona cho BIDV.
Theo luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm Tư vấn pháp luật TP. HCM thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, trong vụ việc này, cần xem xét 2 yếu tố. Thứ nhất, nếu Tamexim không còn khả năng thanh toán nợ dẫn đến phải bàn giao tài sản cho ngân hàng, nhưng vẫn bán căn hộ. Thứ hai, nếu Tamexim che dấu tình trạng mất khả năng thanh toán và tung tin giả rằng, tài sản không bị thế chấp nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Nếu có đủ hai yếu tố trên, người đại diện pháp luật của Tamexim có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng đối với những trường hợp Tamexim bán cho người dân trước,tứcCông ty không còn quyền tài sản đối với căn hộ nữa,mà lại thế chấp để vay tiền ngân hàng, là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
“Những người mua căn hộ, nhưng không được giao căn hộ có quyền tố cáo sự việc đến Cơ quan Điều tra để được xem xét. Trong trường hợp vụ việc bị khởi tố, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành kê biên các tài sản khác của Tamexim để hoàn trả số tiền người mua bị chiếm đoạt”, luật sư Dũng nói.
Không nên cấp sổ đỏ tên riêng chủ đầu tư
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một cán bộ của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện có không ít chủ đầu tư đem thế chấp đất dự án, thậm chí cả căn hộ của khách hàng để vay tiền. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai, khi khu đất đã ra sổ đỏ mang tên doanh nghiệp, thì họ có quyền thế chấp. Doanh nghiệp chỉ cần cùng với ngân hàngra công chứng là xong, nên cơ quan nhà nước không nắm được. Đáng lo ngại nhất là trường hợp chủ đầu tư phá sản, người dân phải khởi kiện ra tòa xem tài sản bị thế chấp trước hay sau thời điểm bán cho khách hàng. Nếu tài sản bán trước ngày thế chấp, thì tài sản phải trả lại cho người dân,còn nếu tài sản bán sau thế chấp, thì xem như nhà của khách hàng đã thuộc về ngân hàng.
Theo luật sư Nguyễn Tấn Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM, trong bất cứ trường hợp nào, khi chủ đầu tư đã bán căn hộ cho khách hàng, nhưng lại mang dự án đó đem thế chấp mà không được sự đồng ý của người đều là sai. Tuy nhiên, trường hợp chủ đầu tư mang dự án đã bán cho khách hàng đi thế chấp lại khá phổ biến thời gian qua.
“Có những dự án căn hộ, khách hàng đã nhận nhà ở 5 - 7 năm, thậm chí cả chục năm, nhưng vẫn chưa nhận được sổ hồng. Nguyên nhân là dodự án đã bị chủ đầu tư cắm ngân hàng”, luật sư Hải nói và cho biết, bản thân đã từng nhận nhiều hồ sơ khiếu nại của khách hàng về việc tương tự.
Nhiều người cho rằng, việc khách hàng mua phải những dự án đã bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng một phần do lỗi người mua do không tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, theo luật sư Hải, không thể trách được người mua, bởi trong giao dịch mua bán căn hộ, gần như chủ đầu tư “nắm đằng cán”.Thông tin về dự án đã được sắp sẵn, người mua hầu như không có quyền thay đổi các yêu cầu, mà chỉ có quyền mua hoặc không mua.
“Cách tốt nhất để bảo vệ người tiêu dùng là có biện pháp xử lý mạnh các chủ doanh nghiệp làm ăn thiếu trách nhiệm và cố tình lừa khách hàng”, luật sư Hải nói, đồng thời cho rằng, để tránh tình trạng các chủ đầu tư cầm cố dự án, cơ quan chức năng không nên cấp sổ đỏ ra tên riêng cho chủ đầu tư, sau đó mới tách từng căn hộ như hiện nay, mà cấp trực tiếp cho người dân.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com