Sản phẩm sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu, phân phối

Sản phẩm sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu, phân phối

Vụ sữa Danlait: Doanh nghiệp đòi bồi thường 1,2 tỷ đồng

Lần đầu tiên một quan chức của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT Hà Nội) bị khởi kiện ra Tòa Hành chính, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội và bị yêu cầu đòi bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng.

Đứng trước nguy cơ phá sản sau những nghi vấn về chất lượng sản phẩm và trốn thuế, Công ty Công ty TNHH Mạnh Cầm (Hà Nội) đã có đơn khởi kiện ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, liên quan đến những thông tin không chính xác mà ông này cung cấp cho truyền thông.

Đơn khởi kiện đã được ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm ký và gửi tới Tòa Hành chính, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã nhận đơn vào ngày 9/7/2013.

   

Kèm theo đó, Công ty này còn có Đơn tố cáo ông Vương Trí Dũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn hại doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo đơn khởi kiện, Công ty Mạnh Cầmcho rằng, ông Vương Trí Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn o ép doanh nghiệp, công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng không đúng bản chất sự việc, ký quyết định xử phạt hành chính không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại trầm trọng về uy tín thương hiệu, hoạt động của doanh nghiệp này.

 

Tóm tắt sự việc như sau:

 

Ngày 21 tháng 2 năm 2013, Đội Quản lý thị trường số 12 thuộc Chi cục quản lý thị trường Hà Nội do ông Nguyễn Minh Hùng làm đội trưởng đã ký quyết định kiểm tra số 0236235/QĐKT tại Công ty Mạnh Cầm.

 

Nội dung kiểm tra theo quyết định bao gồm: Giấy phép đăng ký kinh doanh, việc ghi nhãn hàng hóa, chứng từ liên quan đến hàng hóa là sữa mang nhãn hiệu Danlait và việc niêm yết giá.

 

Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu sản phẩm sữa của Công ty gửi kiểm nghiệm, mặc dù chưa có kết quả kiểm tra về chất lượng sản phẩm, ông Dũng đã đăng đàn phát biểu trên một số phương tiện truyền thông, cho rằng sản phẩm không đạt chất lượng (không đủ 34% độ đạm). Việc ghi nhãn, doanh nghiệp chỉ sai một lõi duy nhất là “ghi nhãn phụ chưa đúng theo quy định ghi nhãn hiện hành”, ông Dũng đã cố tình đưa sự việc thành “trầm trọng” rằng DN vi phạm nhiều lỗi trong quá trình kiểm tra.

 

Đại diện Chi cục QLTT đã thu giữ gần 6.000 hộp sữa Danlait của Công ty Mạnh Cầm để kiểm tra nhãn mác. Sau hơn 3 tháng không được bảo quản đúng tiêu chuẩn quy định, số hàng hóa này đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn, riêng thiệt hại về hàng hóa đã lên tới hơn 1 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ dừng ở số hàng hóa vật chất. Trong suốt quá trình tạm giữ sản phẩm, các cá nhân thuộc QLTT Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của ông Vương Trí Dũng đã có nhiều phát biểu vô căn cứ về chất lượng sản phẩm và hoạt động kinh doanh của Công ty Mạnh Cầm. Tất cả những thông tin này đều được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải.

 Vụ sữa Danlait: Doanh nghiệp đòi bồi thường 1,2 tỷ đồng ảnh 1

Ông Đặng Quang Mạnh và đại diện Công ty FIT (Pháp) - đơn vị đặt hàng và xuất khẩu sữa Danlait cho Mạnh Cầm tại buổi họp báo tháng 4/2013

 

Ngày 15/5/2013, Chi cục QLTT Hà Nội đã tiến hành trả lại 5.600 hộp sữa Danlait loại 400 g sau khi đã có kết luận kiểm tra chất lượng từ Viện An toàn Vệ sinh Thực phẩm quốc gia.

 

Kết quả cho thấy, toàn bộ sản phẩm đều được nhập khẩu từ Pháp, đảm bảo chất lượng và có hàm lượng dinh dưỡng đúng như công bố.

 

Nhưng, theo ông Đặng Quang Mạnh, tính đến thời điểm 7/2013, Công ty Mạnh Cầm đã bị thiệt hại 7 tỷ đồng chi phí phát triển thị trường với hơn 250 đại lý phân phối sản phẩm sữa dê Danlait.

 

Thiệt hại về cơ hội phát triển thị trường trong gần 5 tháng qua cũng lên tới cả tỷ đồng và quan trọng hơn sự tồn tại của sản phẩm sữa Danlait trên thị trường gần như không còn.