Phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và đồng phạm tham ô tài sản đang diễn ra với phần xét hỏi căng thẳng.
Một số ý kiến tại tòa đề cập đến vai trò của Trịnh Xuân Thanh. Bị cáo Thanh khai nhận, theo luật, nếu PVC không đồng ý, mà với tỷ lệ sở hữu chỉ chiếm 28% vốn điều lệ, HĐQT CTCP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam - PVPLand bỏ phiếu 72%, thì PVP Land vẫn có thể thoái vốn tại CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương. Điều này không sai. Tuy nhiên, câu chuyện của PVP Land là trách nhiệm của người đại diện phần vốn.
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, PVPLand có vốn điều lệ 500 tỷ đồng (tương đương 50 triệu cổ phần) gồm 4 cổ đông sáng lập, trong đó PVC nắm 14 triệu cổ phần, tương ứng 28% vốn điều lệ.
PVP Land sở hữu 12,12 triệu cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, tương đương 50,5% vốn. Công ty này được cấp giấy phép xây dựng Dự án Nam Đàn Plaza năm 2009.
Ngày 11/1/2010, Trịnh Xuân Thanh ký Quyết định số 51/QĐ-XLDK và cử Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT PVP Land và Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc PVP Land là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land.
Theo Quy chế về người đại diện phần vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Quyết định số 402/QĐ-XLDK ngày 21/11/2008 và theo Quy chế về việc quản lý phần vốn của PVC đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Quyết định số 147 ngày 17/4/2008, đối với việc chuyển nhượng cổ phần, thoái vốn của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương thì Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh phải báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Trịnh Xuân Thanh, là người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng số cổ phần này.
Trả lời tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai nhận, bị cáo xin ý kiến HĐQT PVC, và chấp thuận cho PVP Land thoái vốn tại PVP Land với điều kiện giá không thấp hơn 13.500 đồng/CP theo tờ trình của Đào Duy Phong.
“Khi Đào Duy Phong cùng Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới – PV) lên phòng bị cáo giới thiệu là nhà đầu tư lớn ở TP.HCM, bị cáo rất mừng, đồng ý ngay và còn nói để PVC là tổng thầu xây lắp tòa nhà. Bị cáo không quan tâm tới giá trị đất, vì với bối cảnh thị trường bất động sản lúc đó, dự án có lãi hơn 30 tỷ đồng. Thấy có lãi bị cáo đồng ý ngay”, bị cáo Thanh nói.
Tuy nhiên, theo tài liệu, ngày 10/2/2010, Trịnh Xuân Thanh đã có các chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện đầu tư, triển khai Dự án Nam Đàn Plaza. Tại cuộc họp này, Trịnh Xuân Thanh nắm rõ các thông tin về dự án, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2).
Tuy nhiên, các bị cáo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh nhờ Thái Kiều Hương (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan) và Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà) tác động Trịnh Xuân Thanh để PVP Land thoái vốn với giá 34 triệu đồng/m2.
Do đó, sau khi có cuộc gặp với Thắng và Hương, Trịnh Xuân Thanh đã gọi điện hỏi Phong về khách đến mua cổ phần. Bị cáo Phong có lời khai, trong cuộc gặp khác, Hương đã thống nhất với Thanh giá bán 40 triệu đồng/m2, nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 34 triệu đồng/m2. Phần chênh lệch Phong sẽ được nhận 10 tỷ đồng, còn lại Hương đưa cho Thanh và Thắng.
Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã ký Nghị quyết số 411 và số 427/NQ-XLDK có nội dung chấp thuận phương án chuyển nhượng với giá 34 triệu đồng/m2 (tương đương khoảng 16,4 triệu USD và thấp hơn giá trị 25 triệu USD đã được kết luận ngày 10/2/2010).
Lời khai của các bị cáo khác cũng thể hiện, tại buổi gặp ăn trưa giữa các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương, Trịnh Xuân Thanh có hỏi Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5, bên mua) đã ký hợp đồng chưa. Thanh nói, nếu Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh không ký hợp đồng thì sẽ cách chức.
Cơ quan điều tra xác định có đủ căn cứ thể hiện Trịnh Xuân Thanh chính là người quyết định và chỉ đạo chuyển nhượng cổ phần giá thấp hơn giá trị thực.