Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng trước giờ khai mạc phiên tòa. Ảnh: Vnexpress

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng trước giờ khai mạc phiên tòa. Ảnh: Vnexpress

Vụ PVN góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank: Ký trước, báo cáo sau

(ĐTCK) Lời khai của các bị cáo nguyên là thành viên HĐTV PVN thể hiện việc ký nghị quyết góp vốn vào Oceanbank trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo cáo trạng, PVN có chủ trương góp vốn vào Oceanbank từ năm 2008, xuất phát từ văn bản thỏa thuận ký giữa Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) ngày 18/9/2008.

PVN góp số tiền 800 tỷ đồng thành ba đợt.

Đợt 1, góp 400 tỷ đồng ngày 1/10/2008. Đợt góp vốn lần 2 vào ngày (31/5/2010) theo Nghị quyết số 4658, góp 300 tỷ đồng và đợt góp vốn lần 3 ngày 16/5/2011, góp 100 tỷ đồng theo Nghị quyết số 4266 nhằm duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ Oceanbank.

Trong đó, đợt góp vốn thứ ba vi phạm khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng (vượt quá mức quy định 15% vốn góp vào tổ chức tín dụng).

Các đợt góp vốn thứ 2,3 có vai trò của các bị cáo nguyên là thành viên HĐTV PVN.

Bị cáo Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên HĐTV PVN khai nhận, ký Nghị quyết 4658 theo quyết định ủy quyền điều hành của ông Đinh La Thăng. Việc ký nghị quyết trên cơ sở ý kiến các thành viên khác.

Theo bị cáo, Nghị quyết của PVN là chấp thuận tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 5.000 tỷ đồng của Oceanbank thành 2 đợt (đợt 1 từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, đợt 2 từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng) và PVN sẽ góp vốn bổ sung để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ.

Bị cáo thừa nhận ký Nghị quyết khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, Nghị quyết ký vào tháng 5/2010, đến tháng 8/2010, ông Đinh La Thăng mới có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Vụ PVN góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank: Ký trước, báo cáo sau ảnh 1

 Bị cáo Vũ Khánh Trường.

Ngày 7/10/2010 Văn phòng Chính phủ có công văn số 7119/VPCP - ĐMDN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng trong đó nhấn mạnh, “trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank”.

Bị cáo thừa nhận, “Nếu làm trọn vẹn thì sau khi có ý kiến Thủ tướng thì phải có thêm nghị quyết nữa của HĐTV”.

Đối với đợt góp vốn lần ba, bị cáo lý giải thời điểm đó không nắm được quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng. Mặt khác, việc tăng vốn trong thời điểm Oceanbank đang hoạt động bình thường và có kết quả tốt.

“Bị cáo không cố ý làm trái quy định của Nhà nước, vì bị cáo không biết, không được cập nhật thông tin. Bị cáo khẳng định nếu có chút thông tin, bị cáo không đồng ý ký vào Nghị quyết”, bị cáo biện minh.

Ngay sau phần thẩm vấn bị cáo Trường, HĐXX cho cách ly bị cáo Đinh La Thăng và Phan Đình Đức để xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN). Bị cáo Thắng khai nhận, việc ký nghị quyết góp vốn đợt 3 trên cơ sở quyết định ủy quyền từ Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng. Nghị quyết được ký khi có 4/7 thành viên có ý kiến đồng ý.  

“Theo báo cáo của ban chuyên môn, thư ký, nếu không ký ban hành Nghị quyết trước ngày 16/5/2011 thì cổ đông sẽ bị tính lãi suất cao. Bị cáo bị áp lực thời gian. Sau khi ký, bị cáo trực tiếp lên phòng báo cáo với bị cáo Thăng”, bị cáo trần tình.

Tương tự các thành viên HĐTV, bị cáo Nguyễn Thanh Liêm cũng khẳng định, giai đoạn đó, Oceanbank kinh doanh có hiệu quả. Bị cáo không nắm được quy định Luật Các tổ chức tín dụng.

Bị cáo Phan Đình Đức thừa nhận có ký vào văn bản lấy ý kiến các thành viên HĐTV trong đợt góp vốn lần ba. Bị cáo ký nhưng không nêu ý kiến cụ thể. Bị cáo lý giải, thời điểm đó, bị cáo đi học lớp chính trị cao cấp. Ngày 17/5/2011, bị cáo nhận được văn bản xin ý kiến, trong khi thời hạn cuối cùng lấy ý kiến là 16/5/2011 nên bị cáo ký để thể hiện việc đã xem, không đồng nghĩa là đồng ý hoặc không đồng ý.

Tin bài liên quan