Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco là công ty con của CTCP Vinafco (mã VFC- UPCoM).
Theo đó, căn cứ Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển số 05/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/8/2008 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ liên quan kèm theo đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển Morning Vinafco, TAND TP. Hải Phòng xét thấy việc bắt giữ tàu biển Morning Vinafco là có căn cứ, hợp pháp nhằm bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải về tổn thất hàng hóa do sự cố rơi vỡ hàng hoá trên tàu gây ra.
Quyết định của TAND TP Hải Phòng nêu:
“Yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng thực hiện Quyết định bắt giữ tàu biển Morning Vinafco theo quy định của pháp luật và giao cho thuyền trưởng tàu Morning Vinafco để thi hành”.
“Thời hạn bắt giữ tàu biển Morning Vinafco để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải tối đa là 30 ngày kể từ ngày tàu biển Morning Vinafco bị bắt giữ. Quyết định bắt giữ có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định".
Tàu đã được bắt vào khoảng 5 giờ chiều 28/6 trong khi đang chở đầy hàng.
Trước đó, Đầu tư Chứng khoán có bài "Vận tải Phương Anh khởi kiện Vinafco (VFC) vụ 42 ô tô bị rơi xuống biển tại Quảng Nam", phản ánh, gần 6 tháng kể từ khi sự cố 42 xe ô tô rơi xuống biển mất tích và 3 xe ô tô bị hư hỏng (thiệt hại gần 37 tỷ đồng) nhưng vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh đã có đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Bên bị kiện là Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco (Vinafco ship) - công ty con của CTCP Vinafco. Bên có liên quan của vụ này là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt).
Theo đơn khởi kiện, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh yêu cầu Vinafco Ship trả cho Công ty Phương Anh tổn thất 45 xe ô tô bị mất tích và hư hỏng khi vận chuyển trên tàu MORNING VINAFCO ngày 22/12/2023 với số tiền gần 39 tỷ đồng (đã bao gồm hơn 1,5 tỷ đồng tiền lãi chậm trả (6 tháng).
Luật sư Đỗ Hồng Sơn - Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội được Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh uỷ quyền để tiến hành thủ tục bắt giữ tàu biển, giải quyết toàn bộ vụ việc với Công ty cổ phần vận tải Vinafco và Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, mục đích bắt giữ tàu biển Morning Vinafco là để giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thi hành án dân sự.
Dựa trên Báo cáo giám định của Công ty Cổ phần Giám định và tư vấn Việt (Vietcontrol) thì nguyên nhân tổn thất là do THIÊN TAI, phía Vinafco đã chính thức có công văn số 022/2024/TB-VTB thông báo “Điểm d, khoản 2, Điều 151 Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định “Người vận chuyển được miễn trách hoàn toàn nếu tổn thất hàng hoá xảy ra do THIÊN TAI”. Tuy nhiên, trong vụ việc này ông Sơn cũng nhận được Báo cáo giám định ngày 14/05/2024 của Công ty CP Giám định Phương Bắc Hà Nội (NORIS HN) có nội dung: “Căn cứ vào các phân tích và nhận định nêu trên, NORIS HN cho rằng nguyên nhân dẫn đến tổn thất đối với lô hàng... vận chuyển trên tàu MORNING VINAFCO là hậu quả do thiết bị chằng buộc Container trên tàu có tình trạng kém, không đảm bảo việc chằng giữ an toàn cho hàng hoá khi tàu hành trình trong điều kiện thời tiết có sóng gió cấp 6, cấp 7”.
"Như vậy, cùng 1 vụ tổn thất nhưng có 2 kết luận về nguyên nhân tổn thất của 2 công ty giám định khác nhau, chúng tôi cần giữ tàu để đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân tổn thất đảm bảo quyền lợi trong vụ việc", ông Sơn cho biết.
"Chúng tôi đang liên hệ với các chủ hàng khác bị thiệt hại, đã bị từ chối trong vụ việc như chúng tôi để cùng nhau thống nhất cách thức làm việc với Vinafco. Tôi có thể sẽ tư vấn cho khách hàng tiếp tục thủ tục bắt giữ tàu MORNING VINAFCO bằng cách Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Toà án Huyện Thanh Trì hoặc có thể tư vấn cho các chủ hàng khác bắt tiếp tàu VINAFCO 26 để họ phải đẩy nhanh quá trình xác định nguyên nhân tổn thất", ông Sơn nói.
Được biết, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco (Vinafco Ship) hoạt động chính là kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương.
Tính tới 31/3/2024, VFC nắm 90,12% vốn điều lệ của Vinafco Ship. Doanh nghiệp này do ông Đinh Xuân Hưng làm đại diện pháp luật.
VFC có vốn điều lệ 340 tỷ đồng, cổ đông gồm: The Shibusawa Warehouse Co.,Ltd góp gần 151,7 tỷ đồng (chiếm 44,61%), CTCP Logistics ASG góp 174,4 tỷ đồng (51,29%), còn lại là các cổ đông khác.
Trong quý I/2024, VFC ghi nhận doanh thu đạt 286,4 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7,8 tỷ đồng.
Pháp luật có quy định tàu biển sau khi bị bắt sẽ được thả trong các trường hợp sau: Chủ tàu có biện pháp bảo đảm thay thế hoặc thanh toán đủ khoản nợ; Có người khác bảo lãnh thực hiện thay hoặc có thư cam kết của tổ chức bảo hiểm có uy tín. Bộ Tài chính thông báo danh sách các tổ chức bảo hiểm có uy tín; Theo yêu cầu của chính người đã yêu cầu bắt giữ tàu biển.