Từ ngày 28/1/2019, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) và các đồng phạm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá đây là vụ án tham nhũng rất nghiêm trọng. Quá trình thẩm tra tại tòa đã làm rõ những khoảng tối trong việc quản lý các dự án nhà, đất công sản khi hàng nghìn mét vuông đất vàng được giao vào tay những doanh nghiệp yếu kém.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ khai nhận là Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 và CTCP Nova Bắc Nam 79. Hai pháp nhân này hoạt động và hạch toán độc lập với chức năng kinh doanh bất động sản, nhà hàng, café, căn hộ… và nhiều ngành nghề khác được pháp luật cho phép.
Theo lời khai, bị cáo Vũ bắt đầu kinh doanh từ năm 2000. Năm 2009, bị cáo được tuyển dụng làm tình báo viên, được giao nhiệm vụ phát triển kinh tế, lấy công ty của bị cáo để làm bình phong. Tổng cục V không góp vốn vào các công ty nhưng bị cáo phải báo cáo mọi việc.
Khi mới thành lập, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 đặt trụ sở tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, có vốn đều lệ 100 tỷ đồng. CTCP Nova Bắc Nam 79 được thành lập năm 2015 ở TP.HCM vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Đến năm 2017, khi triển khai một số dự án và bắt tay đối tác khác, các công ty nâng vốn điều lệ lần lượt lên 700 tỷ đồng và 92 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ khai nhận, năm 2009, bị cáo tìm hiểu 2 thị trường Đà Nẵng và TP.HCM, nhận thấy Đà Nẵng có chủ trương cải tạo nhà đất số 319 Lê Duẩn (diện tích đất 189m2) do một hợp tác xã đang thuê nhưng bỏ không. Bị cáo đã liên hệ hợp tác xã thỏa thuận đền bù, hỗ trợ để hợp tác xã di dời. Khi Đà Nẵng có quyết định thu hồi dự án trên, bị cáo làm tờ trình xin mua để phát triển kinh tế phục vụ “cho hoạt động nghiệp vụ”.
Bị cáo thừa nhận, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 thiếu năng lực tài chính nhưng vẫn xin mua. Theo hồ sơ vụ án, nhà đất trên có giá trị thực là 31,2 tỷ đồng, nhưng giá chuyển nhượng là 6,2 tỷ đồng. Ngay sau khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tháng 3/2010, Vũ nhôm đã sang tên nhà đất trên cho mình, sau đó cho Công ty TNHH Pizza thuê với giá 110 triệu đồng/tháng.
Bị cáo lý giải việc chuyển đổi đất sang cá nhân vì Công ty không có tiền, trong khi Đà Nẵng ra điều kiện trong vòng 60 ngày nếu không nộp tiền sẽ mất quyền mua. Bị cáo đã cho Công ty vay tiền, hai bên làm hợp đồng vay mượn.
Ngoài dự án trên, trong năm 2009, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 nhận chuyển nhượng khu đất 3.264 m2 tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng (trị giá 167,6 tỷ đồng) với giá 19 tỷ đồng. Khu đất này được tách thành 3 thửa đất đứng tên Phan Văn Anh Vũ. Từ tháng 5/2016, Phan Văn Anh Vũ cho Công ty TNHH I.V.C (do Ngô Áng Hùng, anh rể Vũ làm Giám đốc, Vũ có 66,67% cổ phần, Hùng có 30% cổ phần, Phạm Minh Cương có 3,33% cổ phần) thuê khu đất này để xây dựng và kinh doanh Trường mẫu giáo ABC với giá 30 triệu đồng/tháng.
Nếu chuyển nhượng theo giá thị trường, những doanh nghiệp của Vũ chỉ thực hiện được 1 - 2 dự án nhưng trên thực tế, có 7 khu đất với tổng diện tích nhà là 6.723 m2, tổng diện tích đất là 26.759 m2 đã được chuyển nhượng cho 2 công ty này với giá rẻ, không qua đấu giá. Đây đều là những khu đất vàng tại Đà Nẵng, chẳng hạn nhà đất 319 Lê Duẩn, nhà đất số 16 Bạch Đằng, khu đất Công viên An Đồn cũ đường Ngô Quyền, khu đất Dự án Vệt du lịch ven biển Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước.
Tại TP.HCM, có 3 khu đất, gồm nhà đất số 15 Thi Sách; nhà đất số 8 Nguyễn Trung Trực, nhà đất tại 129 Pasteur. Có khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã triển khai thực hiện dự án như đất 15 Thi Sách…
Việc có được những ưu đãi đặc biệt trên là nhờ sự tiếp tay của những đối tượng khác. Cơ quan điều tra đã làm rõ, Phan Hữu Tuấn (nguyên Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (nguyên Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an) đã trực tiếp tham mưu hoặc trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản gửi tới các bộ, ngành UBND TP. Đà Nẵng và UBND TP.HCM xin hỗ trợ, tạo điều kiện cho 2 công ty trên trong các hoạt động thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, giúp sức tích cực cho bị cáo Vũ thực hiện các hành vi phạm tội.
Mặt khác, để xảy ra tội phạm trên là do sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ và quản lý tài sản công của Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân, đều nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, cùng sự buông lỏng quản lý và vi phạm quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà, đất công sản của một số lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và UBND TP.HCM.
Sau khi thực hiện được việc thuê, mua hoặc chuyển nhượng các dự án nhà đất này, Phan Văn Anh Vũ không dùng vào mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ mà chuyển thành tài sản mang tên cá nhân mình hoặc người thân trong gia đình hoặc chuyển nhượng, liên doanh với người khác nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, với tổng số tiền 1.159 tỷ đồng.