Bà Như và ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Công thương, Chi nhánh Nhà Bè (TP. HCM) đã bị bắt vì hành vi lập hồ sơ giả để vay tiền của ngân hàng và vay vốn của các tổ chức, cá nhân với lãi suất cao, mất khả năng chi trả.
Tuần trước, ORS đã công bố thông tin về việc xem xét lại tư cách thành viên HĐQT của bà Như và khẳng định, bà Như không mở tài khoản tại ORS và ORS không có bất cứ giao dịch vay mượn nào với cá nhân bà Như trong suốt thời gian qua.
Theo những nguồn tin chưa chính thức mà ĐTCK thu thập được, lợi dụng danh nghĩa là nhân viên của Ngân hàng và quan hệ với ORS, bà Như bằng nhiều cách thức đã rút tiền gửi của ORS tại Vietinbank Chi nhánh TP. HCM chuyển cho CTCP Đầu tư A. (trụ sở tại Hà Nội, có tài khoản tại Ngân hàng T) số tiền trên 300 tỷ đồng để thanh toán nợ cho Như. Khi ĐTCK đặt câu hỏi về tính xác thực của thông tin trên với ORS, bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc ORS cho biết: "Công ty đã và đang làm việc với Ngân hàng Công thương suốt một tuần qua và chưa thể xác nhận bất kỳ số liệu hay thông tin gì".
Liên quan đến Ngân hàng Công thương, ngân hàng này đã xác nhận không bị thiệt hại tài chính nào liên quan đến vụ bà Như, nhưng đã tố cáo cán bộ Ngân hàng thực hiện hành vi bất hợp pháp như làm hồ sơ giả, chữ ký giả, con dấu giả… để chuyển tiền qua hệ thống một số ngân hàng lấy tiền ngân hàng sử dụng vào mục đích khác.
Đến thời điểm này, theo một số nguồn tin từ thị trường, bà Như và ông Tuấn đã lấy danh nghĩa đại diện Vietinbank Nhà Bè và làm giả con dấu ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Bảo hiểm Toàn cầu và CTCK SaigonBank- Beraya. Sau đó, yêu cầu hai công ty chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định theo yêu cầu của Như. Bằng thủ đoạn này, bà Như đã chiếm đoạt của CTCK Saigonbank - Beraya hơn 200 tỷ đồng và Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu trên 100 tỷ đồng. Khi phóng viên ĐTCK đặt câu hỏi về tính xác thực của thông tin trên với ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT của CTCK SaigonBank - Beraya vào sáng thứ Bảy tuần qua, ông Nam cho biết "hiện ông không có mặt ở TP. HCM và sẽ hỏi Giám đốc Công ty về việc này".
Cũng theo một số nguồn tin từ thị trường, bằng thủ đoạn làm giả hợp đồng tiền gửi giữa Ngân hàng Công thương, Chi nhánh Nhà Bè với các cá nhân, người thân, bà Như đã dùng các hợp đồng giả để thế chấp vay 180 tỷ đồng của Ngân hàng X, Chi nhánh TP. HCM. Chiều 8/10/2011, Ngân hàng X đã có cuộc họp bàn về vấn đề này, nhưng chưa xác nhận thông tin về vụ việc trên.
Tại chợ cổ phiếu OTC TP. HCM, một số cá nhân cho biết đã cho Như vay đến 10 tỷ đồng. Một số người khác cho vay vài ba tỷ đồng. Vì bà Như lấy danh nghĩa nhân viên ngân hàng, lại là thành viên HĐQT của một công ty chứng khoán, nên Như đã dễ dàng chiếm được lòng tin của nhiều người, khuyến dụ họ đưa tiền cho Như vay làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng.
Hiện nay, các tổ chức và cá nhân bị Như lừa chiếm dụng tiền vẫn đang tiếp tục được điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, theo những nguồn tin trên thì vụ lừa đảo này chủ yếu là thực hiện trên thị trường tín dụng chính thức hoặc chợ đen, hiện chưa ghi nhận được thông tin nào liên quan đến hoạt động margin tại các công ty chứng khoán.
Thông tin chính xác về vụ việc trên vẫn phải chờ các cơ quan chức năng làm rõ. Theo ghi nhận của ĐTCK, vụ nổ tín dụng với số tiền quá lớn này đang tạo tâm lý xấu trên TTCK. Để trấn an tâm lý nhà đầu tư, cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ và công bố thông tin chính thức ra công chúng, giảm thiểu rủi ro tâm lý cho TTCK Việt Nam.
Tổng giám đốc KimEng Việt Nam: "Thông tin về vụ nổ OTC là hoàn toàn xa lạ với chúng tôi" Ông Tâm khẳng định, từ lúc Công ty bắt đầu hoạt động đến nay, Công ty không có kinh doanh, môi giới cổ phiếu OTC với bất kỳ khách hàng nào. Tại thời điểm hiện nay, nợ xấu của Công ty từ các hoạt động margin là bằng 0. Công ty chưa hề có việc thu nợ khách hàng bằng cách siết cổ phần của khách hàng trong Công ty và chuyển tên cho người khác. Cũng theo ông Tâm, rất nhiều thông tin trong bài viết "Rúng động nghi án lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng" mà một số tờ báo đăng tải tuần qua, trong đó có đề cập đến CTCK K. là hoàn toàn xa lạ với các hoạt động của Kim Eng và chưa từng xảy ra tại Kim Eng Việt Nam. Liên quan đến CTCK, trong văn bản báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng giám đốc CTCK KimEng Việt Nam, ông Lê Minh Tâm cho biết, sáng 7/10/2011, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra có đến trình giấy giới thiệu và yêu cầu KEVS cung cấp thông tin tài khoản của 6 cá nhân, trong đó có bà Huỳnh Thị Huyền Như. Theo dữ liệu hệ thống của Công ty thì bà Huỳnh Thị Huyền Như và bà Triệu Thị Hương G. chưa bao giờ mở tài khoản tại KEVS và không phải là khách hàng của Công ty. 4 người còn lại đều có dư nợ tại thời điểm 7/10/2011 với KEVS là 0 đồng và hoàn toàn không sử dụng dịch vụ margin. Về số dư tiền gửi của các khách hàng này, Tổng giám đốc KEVS cho biết, Công ty không biết và cũng không được phép cung cấp vì Ngân hàng Techcombank liên kết với Công ty và chịu trách nhiệm quản lý tiền cho tất cả các khách hàng của KEVS. |