Vũ “nhôm” và mạng lưới chân rết thâu tóm đất vàng

Vũ “nhôm” và mạng lưới chân rết thâu tóm đất vàng

(ĐTCK) Lời khai của các bị cáo phần nào đã tiết lộ mối quan hệ thân thiết của Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) với các cấp lãnh đạo TP. Đà Nẵng, và ở góc độ nào đó lý giải vì sao mạng lưới công ty do Vũ thành lập mặc dù chưa rõ năng lực lại được nhận chuyển nhượng những dự án lớn, có vị trí đắc địa. 

Ngày 2/1/2020, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử hai cựu lãnh đạo TP. Ðà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo tài liệu tố tụng, Phan Văn Anh Vũ là cổ đông của 5 pháp nhân. Bị cáo trực tiếp đứng tên là Chủ tịch Hội đồng quản trị của 4 công ty, gồm CTCP Xây dựng 79, CTCP Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C và CTCP Ðầu tư Nhất Gia Phúc. 

Bị cáo cũng thành lập Công ty TNHH Minh Hưng Phát, để em vợ là Nguyễn Quang Thành và lái xe thuê là Lê Viết Bảo Duy đứng tên góp vốn.

Công ty Minh Hưng Phát đăng ký ngành nghề kinh doanh là xây dựng các công trình dân dụng, mua bán nhà và dịch vụ chuyển quyền sử dụng đất. Vốn điều lệ là 20 tỷ đồng.

Công ty Minh Hưng Phát thành lập vào tháng 5/2007, nhưng ngay lập tức đã có tờ trình xin mua khu đất An Cư 2 và An Cư 3 mở rộng.

Hai năm sau, Công ty nhận được quyết định chấp thuận cho mua 22 lô đất thuộc 2 khu đất trên, không thông qua đấu giá.

Tổng diện tích đất là 13.088,17 m2 với số tiền hơn 117,3 tỷ đồng.

Giá trị thực của khu đất này là 287,7 tỷ đồng. Cùng trong năm 2009, Công ty Minh Hưng Phát đã chuyển đổi quyền sử dụng đất sang cho Phan Văn Anh Vũ.

Vũ lập tức bán lại cho các cá nhân khác với giá 252,8 tỷ đồng, hưởng chênh lệch 135 tỷ đồng.            

Tương tự, bị cáo Phan Minh Cương cũng được Vũ trả lương làm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng 79 và Công ty TNHH I.V.C. Bị cáo giúp Vũ thâu tóm 7 nhà đất công sản và dự án 3,77 ha đường Trường Sa.

Nguyễn Quang Thành thì cho biết, bị cáo chỉ là cổ đông Công ty TNHH Minh Hưng Phát, không tham gia điều hành.

Khi họp hoặc trao đổi bàn bạc thì bị cáo có ký vào tờ trình xin mua Dự án An Cư 2, An Cư 3 gửi bưu điện. Khi Công ty được phê duyệt cũng được nhận qua bưu điện, sau đó không có tiền nên Vũ đứng ra trả. Sau này, Công ty chuyển sang luôn cho Vũ.

Bên cạnh việc hình thành mạng lưới công ty “chân rết”, Vũ thông qua các giám đốc doanh nghiệp được chỉ định mua đất để nhận chuyển nhượng.

Một số lời khai của các bị cáo cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa Vũ và các cấp lãnh đạo thành phố Ðà Nẵng.

Tại tòa, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Ðà Nẵng khai nhận, khi Công ty được giải quyết cho mua 2 cơ sở nhà đất thì ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và ông Chủ tịch UBND TP.

Trần Văn Minh có gọi bảo: Cái nào không dùng thì bán cho Phan Văn Anh Vũ, Giám đốc một công ty của Bộ Công an.

Khi đó, bị cáo mới biết Vũ. Khi gặp nhau hai bên thỏa thuận CTCP Xây dựng 79 của Vũ mua lại tài sản trên đất ở 37 Pasteur.

Tin bài liên quan