Sau nhiều ngày xét xử, ngày 7/5/2019, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Mỏ và Khoáng sản Miền Trung – MTM.
HĐXX làm việc xuyên buổi trưa, bắt đầu tuyên án từ 11h30 và kết thúc lúc 14h.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo xâm phạm hoạt động đúng đắn của thị trường chứng khoán, tác động tiêu cực đến tâm lý cho các nhà đầu tư. Trong đó, nhóm bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là nghiêm trọng nhất.
Theo kết luận giám định, có 1.064 người đứng tên sở hữu cổ phiếu MTM chịu thiệt hại số tiền 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, có những người không có yêu cầu bồi thường, có người không đến làm việc. Số liệu quy kết trong cáo trạng có sự nhầm lẫn về số học. HĐXX xác định qua kiểm tra thực tế, số tiền các bị cáo chiếm đoạt của hơn 800 nhà đầu tư là 43 tỷ đồng.
Trước đó, một số luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ Công ty MTM có tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh không. Mặt khác, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là những người đánh giá, kiểm duyệt hồ sơ Công ty MTM đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch tại UPCoM và trách nhiệm của kiểm toán viên.
VKSND đối đáp cho rằng lời khai của những người liên quan đều khẳng định Công ty MTM không có tài sản, không có hoạt động sản xuất kinh doanh. Về dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nếu có căn cứ sẽ xem xét.
Đối với trách nhiệm kiểm toán viên, khi kiểm toán thu thập nhiều chứng từ nhưng không soát xét kỹ hồ sơ. Các kiểm toán viên không được hưởng lợi, không biết hồ sơ, chứng từ là giả. Vì vậy, VKSND tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo.
HĐXX thấy rằng, đối với các cán bộ thẩm định hồ sơ của UBCKNN, Sở GDCK Hà Nội chỉ có trách nhiệm kiểm tra thủ tục. Khi thủ tục đủ theo quy định thì sẽ các quyết định để cho công ty được giao dịch trên sàn. Các cán bộ thẩm định không có trách nhiệm và không đủ điều kiện để thẩm định tính thật, giả của các hồ sơ này.
“Vì sao Công ty MTM có thể được đưa lên giao dịch như vậy, vì đây là những bất cập trong thị trường chứng khoán. HĐXX sẽ kiến nghị UBCK NN xem xét đối với công ty không niêm yết trên sàn thì vẫn bắt buộc phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM”, HĐXX nhận định.
Tòa án kiến nghị UBCKNN có biện pháp hữu hiện hơn về hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư.
HĐXX tuyên án.
Mức án cụ thể:
Nhóm tội Thao túng chứng khoán: Bùi Thiện Lý (trú ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Đỗ Hữu Tài (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) cùng mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Trần Hữu Tiệp mức án chung thân; Vũ Thị Hoa, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico 12 năm tù và Nguyễn Lê Trường, nguyên Giám đốc Công ty MTM 12 năm tù.
Nhóm tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức gồm Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico mức án 4 năm tù; Nguyễn Thị Hiên (trú ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Ngô Văn Hiến, (trú ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Thị Hằng Nga, (nguyên Giám đốc TPBank Tây Hà Nội) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Trần Thị Mai Lan (nguyên Giám đốc Dịch vụ khách hàng TPBank Tây Hà Nội) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Nhóm tội Giả mạo trong công tác gồm các lãnh đạo, nhân viên Phòng giao dịch Đại Kim BIDV: Lê Đắc Hà (nguyên Giám đốc) 18 tháng tù; Hồ Xuân Lý, (Phó giám đốc) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đặng Mạnh Hùng 20 tháng tù, Nguyễn Thị Hiền 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Vũ Thế Vinh 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Sử dụng 59 tài khoản tạo cung cầu giả
Theo cáo trạng truy tố, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico, mua lại hồ sơ Công ty MTM với giá 3 tỷ đồng. Bị cáo chỉ đạo Nguyễn Thị Hiên (em gái Dĩnh); Ngô Văn Hiến, Kế toán trưởng CTCP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (mã KTB) làm giả danh sách 103 cổ đông, chứng từ tăng vốn Công ty MTM lên 310 tỷ đồng, các hợp đồng mua bán, góp vốn chứng từ ngân hàng thể hiện Công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận... Mục đích để đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM. Các tài liệu này được sử dụng để hạch toán sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế. Để hợp thức hóa tài liệu, Dĩnh liên hệ với các cán bộ ngân hàng BIDV Nam Hà Nội và TPBank chi nhánh Tây Hà Nội làm giả chứng từ thể hiện cổ đông góp vốn và doanh số mua, bán hàng hóa qua tài khoản ngân hàng với các công ty liên quan. Công ty MTM nộp hồ sơ gửi HNX để đăng ký niêm yết nhưng sự việc chưa thành thì Nguyễn Văn Dĩnh bị bắt trong một vụ án khác vào tháng 5/2015. Một tháng sau, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (đang bỏ trốn) đã tiếp cận Vũ Thị Hoa ( vợ Dĩnh) để mua lại hồ sơ của Công ty MTM. Biết công ty không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Trần Hữu Tiệp hoàn thiện hồ sơ để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch trên UPCoM, làm giả hồ sơ đại hội cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt với nội dung Trần Hữu Tiệp làm Chủ tịch HĐQT, Phùng Thành Công làm Trưởng ban kiểm soát... Cả hai thống nhất để Công phụ trách và chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản mở tại một số công ty chứng khoán mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm. Sau mỗi lần khớp lệnh, Công nhờ các cá nhân cho mượn tài khoản chứng khoán rút ngay tiền bán cổ phiếu. Sau đó lại mượn các tài khoản nộp tiền bán cổ phiếu vào các tài khoản khác để quay vòng mua nhằm tạo cung cầu giả tạo. |