Vụ mảnh thủy tinh trong chai nước cam ép Splash: Coca-Cola Việt Nam thắng kiện

Vụ mảnh thủy tinh trong chai nước cam ép Splash: Coca-Cola Việt Nam thắng kiện

(ĐTCK) Phiên tòa phúc thẩm xuất hiện tình tiết mới là nguyên đơn cung cấp 3 chai thủy tinh nước cam ép Splash cùng ngày sản xuất với chai nước dị vật.

Ngày 14/3, TAND TP. Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp thương mại giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình Minh (SN 1982, ở quận Bắc Từ Liêm) và Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.

Theo đơn khởi kiện, ngày 5/10/2011, bà Minh mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash của hãng Coca-Cola (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011) do Chi nhánh Coca-Cola tại Hà Nội sản xuất. Trong số hàng này, bà Minh phát hiện có một chai Splash còn nguyên nắp chứa nhiều tạp chất, mảnh thủy tinh và mẩu giấy có viết chữ bên trong.

Bà Minh đã ủy quyền cho một công ty luật để làm việc với Coca – Cola Việt Nam. Do hai bên không thống nhất được việc giám định, nguyên đơn đã đưa vụ việc ra TAND quận Bắc Từ Liêm phân xử.

Cấp sơ thẩm đã tuyên bác đơn khởi kiện của bà Minh. Lý do là vật chứng (chai nước cam ép có dị vật) không phải sản phẩm do Coca-Cola Việt Nam hoàn thiện (dập nắp). Do đó không có căn cứ xác định Coca Cola Việt Nam có lỗi đối với hàng hóa có khuyết tật mà nguyên đơn khởi kiện.

Dù xuất trình thêm chứng cứ, song phía nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ, tên người bán hàng, không có tài liệu chứng minh sản phẩm của Coca-Cola.

Sau phiên tòa trên, nguyên đơn kháng án toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị buộc Coca - Cola Việt Nam phải bồi thường số tiền mua một chai nước cam ép Spalsh vào thời điểm mua là 7.500 đồng; có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện dị vật trong chai nước; công khai xin lỗi nguyên đơn và người tiêu dùng trên 5 số báo liên tiếp về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.

Tại tòa cấp phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Minh Hải (người được bà Minh ủy quyền) xuất trình 3 chai thủy tinh nước cam ép Splash có ngày sản xuất, lô sản xuất trùng với chai nước cam ép dị vật. Bà Hải và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích của nguyên đơn đã đề nghị tòa án giám định chứng cứ bổ sung để làm sáng tỏ vụ án.

Bác bỏ tình tiết mới, phía bị đơn cho rằng, 3 chai thủy tinh nước cam ép này không liên quan đến số hàng bà Minh đã mua.

Mặt khác, dù xuất trình thêm chứng cứ, song phía nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ, tên người bán hàng, không có tài liệu chứng minh sản phẩm của Coca-Cola. HĐXX nhận định không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng án của nguyên đơn.

Sau thời gian nghị án, TAND TP Hà Nội quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tin bài liên quan