Theo đó, Tòa án yêu cầu điều tra làm rõ vai trò của các cán bộ ngân hàng trong việc các bị cáo sử dụng hồ sơ khống, kho hàng rỗng để vay vốn ngân hàng.
Được biết, đối với các cán bộ HSBC và ANZ tham gia thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn và giải ngân cho các công ty, Cơ quan An ninh điều tra không phát hiện các cá nhân này thông đồng với các bị can để thực hiện hành vi phạm tội.
Do HSBC và ANZ không quy định cụ thể danh mục công việc mà các cán bộ này cần thực hiện. Quá trình cho vay, nhiều bộ phận, cá nhân của 2 ngân hàng có trách nhiệm tham gia phê duyệt hạn mức tín dụng, soạn thảo hợp đồng tín dụng và giải ngân tiền vay. Các bộ phận này làm việc độc lập, luân phiên thay đổi cán bộ nên không có cơ sở xác định trách nhiệm riêng đối với từng cá nhân. Vì vậy, Cơ quan An ninh điều tra cho rằng không đủ cơ sở xác định trách nhiệm cán bộ ngân hàng.
Ngoài ra, Tòa án còn yêu cầu làm rõ khoản tiền 62 tỷ đồng mà bị cáo An Thị Hương Giang, nguyên Kế toán CTCP Đầu tư Quốc tế An Phát đã nhận, yêu cầu giám định lại hồ sơ giải ngân của khoản vay 15 tỷ đồng...
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố Bùi Kiên Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư quốc tế An Phát và 6 đồng phạm vì hành vi sử dụng nhiều pháp nhân, dùng hồ sơ giả để vay vốn, giải ngân, rút tiền vay tại HSBC và ANZ.
Đến thời điểm khởi tố vụ án, các công ty còn nợ 2 ngân hàng số tiền 379 tỷ đồng trong đó có 300 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo (HSBC là 201 tỷ đồng, ANZ là 99 tỷ đồng) không có khả năng thanh toán.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định có 8 doanh nghiệp liên quan đến hành vi lừa đảo của nhóm bị cáo. Tại CTCP Thương mại Medi-Sanfrontler do Bùi Kiên Dũng đứng tên Chủ tịch HĐQT, HSBC cấp hạn mức tín dụng 2,47 triệu USD và giải ngân nhiều lần. Đến thời điểm khởi tố vụ án, Công ty còn nợ gốc tại HSBC là hơn 55 tỷ đồng.
Khi làm hồ sơ vay vốn, bị cáo Dũng đã chỉ đạo An Thị Hương Giang, nguyên Kế toán Công ty An Phát làm giả báo cáo kiểm toán, bản sao y báo cáo tài chính các năm 2009, 2010 của Công ty Medi-Sanfrontler. Các báo cáo này đã nâng khống giá trị các khoản phải thu, hàng tồn kho rồi cắt, dán, photo các chữ ký để đưa vào hồ sơ vay vốn. Khi giải ngân, các bị cáo đưa vào các hợp đồng mua bán hàng hóa không có thật để xuất trình cho ngân hàng.
Khi cán bộ ngân hàng đi kiểm tra hoạt động kinh doanh, các bị cáo cho người xếp các bao nông sản chặn kín cửa kho nên cán bộ tín dụng tin là Công ty có nhiều hàng. Thực tế kho hàng chỉ có vài bao đó.
Đến năm 2012, Công ty An Phát và Công ty Medi- Medi-Sanfrontler đã nợ 150 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng như HSBC, VIB, MBBank, VPBank...
Bị cáo Dũng đã sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH Quyết Chiến, do Nguyễn Thị Thu đứng tên giám đốc. Sau đó, An Thị Hương Giang trực tiếp đứng tên giám đốc Công ty Quyết Chiến. Các bị cáo đã đưa hồ sơ giả bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán... để được HSBC và ANZ cho vay vốn.
Khi cán bộ ngân hàng đi kiểm tra hoạt động kinh doanh, các bị cáo cho người xếp các bao nông sản chặn kín cửa kho nên cán bộ tín dụng tin là Công ty có nhiều hàng. Thực tế kho hàng chỉ có vài bao đó.
Dù không có tài sản, không có hàng trong kho, không có khoản phải thu nhưng Nguyễn Thị Thu và An Thị Hương Giang vẫn đại diện Công ty ký hợp đồng tín dụng và các thủ tục khác như bảo lãnh, hợp đồng thế chấp hàng trong kho, khoản phải thu... Đến nay, Công ty Quyết Chiến còn dư nợ gốc tại HSBC là 46 tỷ đồng, tại ANZ là 39,8 tỷ đồng.
Cách thức này được các bị cáo sử dụng nhiều lần cho các khoản vay khác nhau. Tổng cộng, từ năm 2010 đến 2013, các bị cáo Bùi Kiên Dũng, An Thị Hương Giang, Vũ Văn Diện, Lê Quốc Huy, Trần Nam Phương, Vũ Quang đã sử dụng các pháp nhân làm giả hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân rút tiền vay tại HSBC và ANZ, chiếm đoạt 300 tỷ đồng.
Số tiền chiếm đoạt, các bị cáo sử dụng sai mục đích vay vốn, chi tiêu cá nhân, trả nợ chính ngân hàng vay và các ngân hàng khác...