Ngày 4/11, phiên tòa xét xử Lê Hồng Bàng lừa đảo khoảng 350 tỷ đồng của gần 400 bị hại tiếp tục ngày làm việc thứ 2.
Cho tới khi trời đã sẩm tối, phòng xử vẫn chật kín người bởi hơn 200 bị hại đã được triệu tập tới tòa. Ai cũng không muốn ra về trước khi chủ tọa công bố tạm dừng phiên tòa chờ ngày mai làm việc tiếp.
Nhiều cánh tay vẫn giơ lên yêu cầu chủ tọa cho phép phát biểu ý kiến tranh luận để bảo vệ quyền lợi của bản thân. Có đôi khi từng tràng pháo tay lại vàng lên từ phòng xử án. Vỗ tay chẳng phải vì họ vui vẻ gì, mà chẳng qua là vì ai đó, cũng là bị hại như họ, đã nói đúng tâm tư, nguyện vọng, lý lẽ mà họ đang mong muốn được Hội đồng xét xử thấu hiểu.
Vụ án xảy ra từ năm 2009 và tháng 7/2009, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, rồi khởi tố bị can đối với Lê Hồng Bàng.
Từ đó đến nay, đã hơn 5 năm trôi qua, nhiều phiên tòa đã được mở, một bản án đã bị hủy, cơ quan điều tra đã nhiều lần phải điều tra bổ sung, điều tra lại nhưng các bị hại vẫn còn nhiều bức xúc quanh việc thu hồi tài sản bị Bàng lừa đảo chiếm đoạt.
Theo hồ sơ vụ án từ tháng 3 - 7/2009, Lê Hồng Bàng (SN 1976, trú tại Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) Tổng giám đốc CTCP sàn bất động sản Việt Nam đã tạo dựng ra 4 dự án bất động sản “ma” để bán cho 397 khách hàng thu 347 tỷ đồng.
Cùng đồng phạm với Bàng còn có Hoàng Văn Cường – giám đốc CTCP Đầu tư phát triển xây dựng – thương mại Cường Thịnh và Hà Tuấn Linh – Giám đốc CTCP đầu tư thương mại Hoàng Hà.
Lê Hồng Bàng và Cường, Linh còn tổ chức thu mua đất nông nghiệp, tổ chức san lấp mặt bằng trái phép thông qua ĐoànVăn Kim. Thu giữ tài liệu tại CPCTP sàn bất động sản Việt Nam cho thấy có những chứng từ chi tạm ứng để trả tiền nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (HN).
Trên cơ sở giấy biên nhận tiền và lời khai, có 34 hộ dân đã chuyển nhượng đất nông nghiệp với tổng diện tích là 81.069 m2 và nhận số tiền là 21,3 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, Lê Hồng Bàng đã tổ chức san nền trái phép và nhiều lần bị UBND huyện Từ Liêm lập biên bản, xử phạt.
Các bị hại cho rằng, diện tích hơn 81.000 m2 đất mà Đoàn Văn Kim đứng ra mua theo chỉ đạo của Bàng đã được chi trả bằng số tiền của họ. Sau khi lừa lấy tiền của khách hàng, Bàng đã dùng tiền để mua đất thông qua Kim. Các chứng từ cơ quan điều tra thu giữ được đã thể hiện điều này.
Theo các bị hại, đáng lẽ các hộ dân phải trả lại tiền và nhận lại đất để lấy tiền đó trả cho bị hại, nhưng các hộ dân đã bán đất cho Đoàn Văn Kim xác nhận không có tiền để trả lại. Do đó, theo các bị hại cần thu hồi, phát mại diện tích hơn 81.000 m2 đó rồi chi trả cho họ.
Các bị hại cũng không chấp nhận quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát khi cho rằng, diện tích đất này mua bán không hợp pháp nên không thể cho rằng đó là đất mà Bàng đã mua.
Chính việc xử lý 81.000 m2 đất này là mấu chốt khiến cho vụ án kéo dài dai dẳng. Đây là “cọc” duy nhất mà những người đã mất tiền trong vụ án này hy vọng bám vào để vớt vát phần nào tài sản bị mất. Nhất là đối tượng cầm giữ phần lớn tài sản của họ gồm có Hoàng Văn Cường được Bàng chi cho 165,9 tỷ đồng, Hà Tuấn Linh nhận 54,3 tỷ đồng, nay đã bỏ trốn.
Theo dự kiến, hôm nay (5/11) Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.