Vụ lừa đảo 120 tỷ: Hàng trăm nhà đầu tư mắc bẫy siêu lãi suất 300%

Vụ lừa đảo 120 tỷ: Hàng trăm nhà đầu tư mắc bẫy siêu lãi suất 300%

(ĐTCK) Sáng 22/11, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Phúc Gia Bảo 68, Công ty Phúc Gia Bảo 868.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Thế Anh (SN 1979), nguyên là Tổng giám đốc 2 công ty nói trên, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng với 13 đồng phạm khác.  

Kết quả điều tra làm rõ, từ tháng 11/2014 đến tháng 12/2016, Nguyễn Thế Anh thành lập CTCP Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 và CTCP thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868. Hai công ty này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch, siêu thị... nhưng đều không kinh doanh các dịch vụ như đăng ký.

Để có tiền chi tiêu, Nguyễn Thế Anh sử dụng danh nghĩa Công ty 68, Công ty 868, mở các văn phòng, chi nhánh tại nhiều địa phương, kêu gọi người dân ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh để xây dựng hệ thống café Nấm linh chi đỏ, chuỗi café, chuỗi siêu thị mini (tự chọn và online), chuỗi nhà hàng, vật tư nông nghiệp...

Bị cáo Nguyễn Thế Anh đưa ra các gói đầu tư 12,6 triệu đồng; 24,6 triệu đồng; 36,6 triệu đồng...

Với gói 36,6 triệu đồng, tháng thứ nhất sẽ được nhận lợi nhuận là 9 triệu đồng, tháng thứ 2 là 12 triệu đồng, tháng thứ 3 là 16 triệu đồng, các tháng sau đó được nhận lợi nhuận là 60%. Sau 6 tháng, được nhận tổng lợi nhuận là 125 triệu đồng (341%)...

Cơ quan công tố cáo buộc đây chực thất là hành vi huy động vốn trái phép.

Cùng với việc đưa ra mức lợi nhuận (lãi suất) rất cao, để khuyến khích nhiều người tham gia, Thế Anh đưa ra chính sách - người nào giới thiệu được khách hàng mới sẽ hưởng hoa hồng. Ví dụ tham gia gói 36,6 triệu đồng thì được thưởng thêm hoa hồng tháng thứ 6 là 27 triệu đồng, tham gia 10 gói 36,6 triệu đồng thì được thưởng tháng thứ 6 là 150 triệu đồng, được tặng chuyến du lịch Philippines...

Bị cáo Nguyễn Thế Anh còn chỉ đạo nhân viên công ty tổ chức các sự kiện rầm rộ, tổ chức các tour du lịch trong và ngoài nước rồi đưa ra các thông tin quảng bá về hoạt động công ty, nhằm lôi kéo nhiều hơn nữa người tham gia.

Thế Anh tự giới thiệu mình là đại diện cho một nhãn hàng cà phê Organo-Gold tại Việt Nam, với thứ bậc trong hệ thống phân phối là Diamond Blue (kim cương xanh), đang mua bán cà phê và được hưởng lãi suất cao.

Thực chất, bị cáo không kinh doanh cà phê mà chỉ mua cà phê mang nhãn hiệu của Mỹ và làm quà cho các nhà đầu tư, dùng cho nhà đầu tư uống miễn phí khi đến chi nhánh, văn phòng thuộc công ty 68 và công ty 868.

Công ty 868 giới thiệu kinh doanh siêu thị, thực tế công ty này có mở 1 siêu thị ở TP.HCM, nhưng siêu thị vừa hoạt động thì nhiều khách hàng đến đòi nợ nên đã phải đóng cửa. Hàng hóa bị đem trả cho các nhà đầu tư để trừ nợ.

Thế Anh cũng bịa chuyện công ty của anh ta tham gia khai thác mỏ cao lanh trữ lượng lớn, có thể khai thác đem lại lợi nhuận. Về việc này, cơ quan điều tra làm rõ, ông Nguyễn Văn Thanh, là bố đẻ của Thế Anh có mảnh đất trồng rừng, được Nhà nước giao tại Hòa Vang, TP Đà Nẵng nghi có cao lanh, nhưng chưa có cơ quan nhà nước nào cấp phép.

Ngoài ra, trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh, Thế Anh ký với khách hàng đều nêu hợp tác đầu tư để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tour du lịch..., nhưng thực tế, không có nhà hàng, khách sạn nào, mà chỉ thuê khách sạn để làm văn phòng, nơi nghỉ miễn phí cho các nhà đầu tư tại Đà Lạt và Thái Lan.

Với những cách thức trên, từ tháng 7/2015 đến tháng 2/2016, Thế Anh và các đồng phạm đã thu của các nhà đầu tư tổng cộng hơn 323 tỷ đồng. Đến nay, đã trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư hơn 203 tỷ, còn lại hơn 120 tỷ đồng Thế Anh chiếm đoạt và chỉ đạo sử dụng hết.

Có 603 bị hại đã đến khai báo, tường trình về số tiền đã nộp vào công ty của Thế Anh. Họ đề nghị được bồi thường số tiền bị chiếm đoạt.

Tin bài liên quan