Chiều 30/1, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Vũ Thanh Thúy (SN 1979, ở quận Đống Đa) mức án 12 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo Nguyễn Lương Các (SN 1983, thủ kho) lĩnh án 10 năm 27 ngày tù; bị cáo Trần Thị Ngọc Lan (SN 1973, nhân viên) và Thân Văn Va (SN 1948, nguyên giám đốc Trung tâm giấy Hà Nội) cùng lĩnh án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Do bị cáo Các có thời gian tạm giam bằng mức án nên tòa án xác nhận bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.
Vụ án này đã kéo dài hơn 10 năm.
Chiếm đoạt 10 tỷ đồng
Theo cáo trạng, Trung tâm Giấy Hà Nội là đơn vị thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapco), thuê kho của Công ty Giấy Tissue Sông Đuống. Việc xuất, nhập hàng theo quy định của Vinapaco.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Hội và Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Lộc Thành là các đại lý bán giấy hưởng hoa hồng của Trung tâm Giấy Hà Nội.
Theo quy định, việc xuất sản phẩm vượt số lượng, sai chủng loại ghi trong lệnh bị nghiêm cấm trong mọi trường hợp khi chưa có sự đồng ý của Trung tâm Giấy Hà Nội. Trung tâm Giấy Hà Nội cử Trần Thị Ngọc Lan, nhân viên phòng kinh doanh trực tiếp ở tại kho để viết hóa đơn bán hàng và xuất hàng cho khách.
Bị cáo Vũ Thanh Thúy làm nghề buôn bán tự do, mua giấy của Công ty Sơn Hội và Lộc Thành. Tuy nhiên, hai bên không lập hợp đồng mua bán, chỉ thỏa thuận miệng. Khi có nhu cầu, Thúy điện thoại cho bà Nguyễn Thị Tý, Giám đốc Công ty Sơn Hội, đặt mua số lượng, chủng loại giấy.
Khi Trung tâm Giấy Hà Nội làm xong lệnh xuất thì fax sang máy phòng kinh doanh. Sau đó, Thúy cử người trực tiếp đến kho lấy làng.
Do quen biết Nguyễn Lương Các (thủ kho), Thúy lợi dụng việc Công ty Sơn Hội không trực tiếp đến kho lấy hàng để “bắt tay” với Các, Trần Thị Ngọc Lan lấy giấy vượt lệnh, ngoài lệnh, không lệnh với số lượng tổng cộng là 709,3 tấn giấy, trị giá 8,8 tỷ đồng.
Khi lấy hàng, Thúy điện thoại cho Các đề nghị xuất thêm số lượng, chủng loại. Nguyễn Lương Các xuất giấy theo yêu cầu của Thúy và báo cho Lan. Trần Thị Ngọc Lan tự ghi thêm số lượng. Toàn bộ số giấy vượt lệnh, ngoài lệnh, không lệnh, Lan đều viết phiếu xuất giấy cho Công ty Sơn Hội. Thúy đã bán hết hàng và chiếm đoạt số tiền này.
Theo truy tố, bị cáo Các nhận 14 triệu đồng tiền “bồi dưỡng” từ Thúy.
Cuối năm 2006, Trung tâm Giấy Hà Nội phát hiện số tiền hàng tồn kho luân chuyển của Công ty Sơn Hội là 5,5 tỷ đồng, vượt quá mức quy định trong hợp đồng đại lý là 4,2 tỷ đồng. Đối chiếu công nợ, sổ sách kế toán, bà Tý mới biết, Trung tâm Giấy Hà Nội xuất hàng bán không đúng lệnh, không đúng yêu cầu số lượng 709,3 tấn giấy, trị giá 8,8 tỷ đồng.
Cộng với số nợ của Công ty Lộc Thành, bị cáo Thúy bị truy tố với số tiền chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.
Các bị cáo Các, Lan bị truy tố với hành vi xuất giấy vượt lệnh, không lệnh cho bị cáo Thúy. Bị cáo Va có hành vi ký, đóng dấu trước vào liên 2 Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý, tạo sơ hở cho bị cáo Các và Lan lợi dụng xuất giấy vượt lệnh, ngoài lệnh, không lệnh. Hành vi này trái quy định của Luật kế toán.
Quá trình điều tra, bị cáo Thúy đã trả cho Trung tâm giấy số tiền 2 tỷ đồng, Công ty Lộc Thành là 200 triệu đồng. Công ty Lộc Thành và gia đình Thúy thỏa thuận sẽ tự giải quyết số công nợ còn lại là 1,3 tỷ đồng.
Vinapaco muốn đòi tiền ai?
Trong vụ án này, Vinapaco không thừa nhận là bị hại và cho rằng Công ty Sơn Hội là bên nợ tiền. Do đó, Vinapaco đề nghị tách thành vụ án tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định, hành vi của các bị cáo xâm hại tài sản nhà nước. Mặc dù Vinapco không có đơn nhưng tòa đưa công ty vào tham gia tố tụng với vai trò bị hại nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước.
Đối chiếu công nợ, Công ty Sơn Hội yêu cầu Trung tâm Giấy phải trả hơn 2 tỷ đồng. HĐXX chấp nhận khoản tiền này nhưng xác định Công ty Sơn Hội cũng có phần lỗi nên phải chịu trách nhiệm số tiền 500 triệu đồng. Số tiền này được đối trừ vào số tiền bị cáo Thúy phải khắc phục hậu quả.
Như vậy, bị cáo Thúy còn phải bồi thường cho Trung tâm Giấy là 6 tỷ đồng.