xNhư ĐTCK đã phản ánh về vụ kiện nói trên, năm 2010, CTCP Kiến trúc đô thị Nam Thăng Long (Nam Thăng Long) và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi, nay là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Công ty Hạ tầng), đã ký hợp đồng nhận thầu thi công xây dựng cọc khoan nhồi đại trà Dự án Chung cư nhà cao tầng Binh đoàn 12.
Sau khi thi công xong, hai bên bên đã ký hồ sơ quyết toán xác nhận giá trị thi công là hơn 20,2 tỷ đồng, nhưng Nam Thăng Long mới thanh toán 13,7 tỷ đồng. Không giải quyết được, Công ty Hạ tầng đã khởi kiện đòi hơn 8 tỷ đồng gốc và lãi.
Bản án sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Hạ tầng, buộc Nam Thăng Long trả hơn 8 tỷ đồng. Đồng thời, bác đơn phản tố, bác yêu cầu trưng cầu giám định chất lượng cọc khoan nhồi của Nam Thăng Long. Không chấp nhận bản án này, Nam Thăng Long đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Ở cấp phúc thẩm, nguyên đơn Công ty Hạ tầng 2 lần vắng mặt phiên tòa, do đó, Hội đồng xét xử đã quyết định xét xử vắng mặt nguyên đơn.
Theo trình bày của Nam Thăng Long, tòa cấp sơ thẩm cho rằng giữa hai bên đã ký hồ sơ quyết toán, xác nhận giá trị đã thi công là 20,2 tỷ đồng mà Nam Thăng Long không khiếu nại vấn đề chậm tiến độ, tức là Công ty chấp nhận việc chậm tiến độ, không yêu cầu phạt. Tuy nhiên, Nam Thăng Long cho rằng, đây chỉ là hồ sơ quyết toán, không phải thanh lý hợp đồng.
Nếu muốn xem xét nghĩa vụ và quyền lợi của các bên thì phải đối chiếu với hợp đồng, xem xét các khoản phạt, phát sinh tăng/giảm, từ đó mới làm thanh lý hợp đồng. Do đó, không thể cho rằng, giữa hai bên đã thanh lý hợp đồng và Nam Thăng Long chấp nhận việc nhà thầu Công ty Hạ tầng chậm tiến độ.
Đại diện Nam Thăng Long cho biết, sở dĩ chưa đối chiếu và thanh lý hợp đồng vì còn ràng buộc nghĩa vụ liên quan đến chất lượng thi công. Sau khi hoàn thành xong cọc, trước khi làm tiếp phần sau thì phải làm thí nghiệm.
Nam Thăng Long tiến hành thí nghiệm thì thấy chưa đạt yêu cầu nên có mời Công ty Hạ tầng sang làm việc nhiều lần, nhưng phía Công ty Hạ tầng không đến. Vì thế, hai bên không thể đối chiếu xác nhận công nợ để thanh lý hợp đồng.
Nam Thăng Long đã gửi Công văn số 06 ngày 23/4/2012 (trong thời gian bảo hành), đề nghị Công ty Hạ tầng thực hiện đầy đủ chức năng thí nghiệm siêu âm, thí nghiệm khoan lấy lỗ… theo đúng quy định về xây dựng. Tuy nhiên, Công ty Hạ tầng không hợp tác, không thực hiện thí nghiệm.
Mặt khác, bị đơn cho rằng, quá trình giải quyết vụ án, tòa án đã đi xác minh thực tế, nhưng lại không căn cứ vào đó để giải quyết vụ án. Thứ nhất, nguyên đơn lý giải việc chậm tiến độ là do bất khả kháng, quá trình thi công bị người dân cản trở.
Khi tòa án xuống địa phương xác minh, thì các hộ dân phản ánh, do Công ty Hạ tầng thi công không đảm bảo vệ sinh, không an toàn nên người dân cản trở không cho thi công tiếp. Theo thỏa thuận trong hợp đồng cũng như quy định pháp luật thì nhà thầu có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Công ty Hạ tầng không đảm bảo dẫn đến hộ dân cản trở thi công là lỗi của Công ty.
Thứ hai, nguyên đơn còn lý giải chậm tiến độ là do chủ đầu tư thay đổi thiết kế, thay đổi độ sâu khi khoan. Tuy nhiên, Nam Thăng Long khẳng định, Công ty không có bất cứ văn bản nào yêu cầu Công ty Hạ tầng tạm ngừng thi công để sửa lại thiết kế. Đối với việc điều chỉnh chiều sâu khoan từ 6m xuống 5m, đây là thực tế thi công, khi khoan mũi khoan cọc nhồi thì cứ chạm đến lớp sỏi cuội thì ngừng, chiều sâu này có thể là 5m, 6m, thậm chí 10m, tùy thuộc địa chất dự án. Đây là thay đổi do thực tế thi công, chứ không phải do chủ đầu tư.
Thứ ba, Công ty Hạ tầng cho rằng, việc thi công bị chậm là do chủ đầu tư chậm thanh toán. Về vấn đề này, Nam Thăng Long khẳng định, quá trình thi công, Công ty đáp ứng đủ thanh toán.
Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, Công văn số 06 của Nam Thăng Long gửi Công ty Hạ tầng yêu cầu thí nghiệm chất lượng thi công cọc khoan nhồi là yếu tố mới trong vụ án, chưa thể xác minh làm rõ ngay tại phiên tòa, cùng một số sơ sót về tố tụng khác, nên Hội đồng xét xử đã hủy án sơ thẩm, giao tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại.