Vụ kiện PVN và xu hướng mới trong xử lý tranh chấp thương mại

(ĐTCK) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã vướng vào một vụ tranh chấp lớn về ưu đãi thuế theo hợp đồng phân chia sản phẩm liên quan đến một mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam.
Vụ kiện PVN và xu hướng mới trong xử lý tranh chấp thương mại

Việc sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp kinh tế “kín tiếng” thông qua trọng tài đã giúp PVN thắng kiện, đồng thời tránh làm tổn hại danh tiếng của các bên.

Vụ tranh chấp trên của PVN xoay quanh lập luận của các nguyên đơn là họ ngầm định được hưởng một số ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù các ưu đãi đó chưa từng được bàn đến trong các vòng đàm phán và cũng không được quy định trong hợp đồng phân chia sản phẩm hay giấy chứng nhận đầu tư có liên quan.

Để giải quyết vấn đề này, PVN và nguyên đơn đã đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế. Một Hội đồng Trọng tài quốc tế được thành lập theo Quy tắc Tố tụng trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) gồm các trọng tài viên hàng đầu thế giới. Trong quá trình cân nhắc vấn đề để đưa ra phán quyết, Hội đồng Trọng tài nhất trí với quan điểm của PVN là luật Việt Nam đưa ra “một cách tiếp cận vấn đề linh động và đa dạng, phù hợp với quyền lợi thương mại hợp lý của Chính phủ Việt Nam và các công ty dầu khí quốc tế”.

Hội đồng Trọng tài xét thấy rằng, trong vụ tranh chấp này, các nguyên đơn không thể được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì các ưu đãi thuế đó chưa từng được các bên đàm phán và không hề được các cơ quan chức năng Việt Nam phê duyệt. Hội đồng Trọng tài chỉ rõ việc nhà thầu “đã được đối xử một cách không thay đổi trong suốt khoảng thời gian có liên quan” và cách đối xử đó theo đúng những gì các bên tham gia ký kết hợp đồng ban đầu kỳ vọng.

Trong phán quyết trọng tài ban hành ngày 22/5/2015, Hội đồng Trọng tài đã bác bỏ toàn bộ các yêu cầu khởi kiện chống lại PVN và buộc các nhà thầu nguyên đơn phải bồi hoàn toàn bộ phần phí trọng tài mà PVN đã ứng trước.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN chia sẻ: “Phán quyết của Hội đồng Trọng tài khẳng định, các hợp đồng phân chia sản phẩm Việt Nam phải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và đúng theo các điều khoản hợp đồng có liên quan”.

Vụ việc trên cho thấy các luật sư của PVN trong vụ kiện trọng tài này là Shearman & Sterling LLP và YKVN đã sử dụng rất hiệu quả một hình thức tố tụng vốn phổ biến với các nhà đầu tư nước ngoài và thương trường quốc tế, nhưng lại xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam nhận xét, cách phổ biến để xử lý các tranh chấp đầu tư ở nhiều nước trên thế giới là đệ đơn kiện tới tòa án dân sự hoặc thương mại. Lựa chọn này cũng tồn tại ở Việt Nam, nhưng xu hướng chung là các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài. Việc thiếu minh bạch trong quá trình xét xử ở tòa án Việt Nam là một trong những lý do cho lựa chọn này.

Một trong những điểm cộng khác cho các DN khi thực hiện giải quyết tranh chấp đầu tư theo hình thức này, theo đại diện Công ty Luật PLF là các phiên họp giải quyết tranh chấp thường tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận, nên ít tổn hại đến uy tín của các doanh nghiệp trên thương trường.

Để được giải quyết bằng phương thức trọng tài, các bên cần phải có thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp thương mại quốc tế. Các bên có thể lập một điều khoản trọng tài trong hợp đồng ngay từ đầu hoặc có một thỏa thuận riêng về trọng tài được ký kết sau khi phát sinh tranh chấp. Căn cứ Luật Trọng tài thương mại 2010, tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại thì thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. 

Đề cập đến việc xử lý các tranh chấp kinh tế,  Phó giáo sư Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh có thể dựa vào Bộ luật Tố tụng dân sự (2004) với tư cách là công cụ pháp lý để Tòa án giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên chú ý đến biện pháp khác, đó là Luật Trọng tài thương mại.

Nhà nước ban hành bộ luật này với tư cách là công cụ pháp lý để trọng tài thương mại, một tổ chức phi nhà nước, thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp thương mại, trên cơ sở những nguyên tắc có nhiều điểm khác biệt với Tòa án để đáp ứng nhu cầu được tự do lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh của doanh nghiệp.              

Tin bài liên quan