Tóm tắt lại vụ việc, vào năm 2011, Eximbank cấp hạn mức tín dụng 5 tỷ đồng cho CTCP Viễn thông VTI để bổ sung vốn lưu động kinh doanh thiết bị giám sát hành trình ô tô. Tài sản thế chấp là nhà đất ở phố Hoàng Đạo Thành, Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) đứng tên vợ chồng ông Nguyễn Thế Hà, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Sau này, VTI không trả nợ, Eximbank đã khởi kiện ra tòa. Tòa cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Eximbank, buộc Công ty VTI phải trả 570 triệu đồng và hơn 110.000 USD. Trường hợp VTI không trả hoặc trả không hết nợ, Eximbank được quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp.
Kết thúc giai đoạn phúc thẩm, Công ty VTI đã kháng cáo. Ông Nguyễn Thế Hà, người vắng mặt tại phiên sơ thẩm cũng có đơn kháng cáo.
Công ty VTI nêu quan điểm kháng cáo cho rằng, Tòa án buộc VTI trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng mà chưa xém xét trách nhiệm của ông Hà, bà Nhàn là chưa đảm bảo lợi ích của Công ty. Hơn nữa, công ty có văn bản đề nghị ngân hàng khoanh nợ mà ngân hàng không trả lời.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hà cho rằng, hợp đồng thế chấp không có hiệu lực, bởi ông có bảo lãnh cho Công ty VTI vay vốn ngân hàng chứ không phải đứng tên với tư cách cá nhân vay tiền ngân hàng. Do đó, về hình thức, hợp đồng thế chấp là không đúng với quy định của Bộ luật dân sự, không phát sinh hiệu lực.
Đồng thời, quá trình giải quyết phúc thẩm, ông Hà xuất trình hợp đồng cho thuê căn nhà, theo đó, Công ty Điện thoại Hà Nội 2 đã thuê căn phòng 14 m2 trên tầng 3 của căn nhà thế chấp để làm phòng máy lắp đặt thiết bị trạm BTS, trên mái tôn tầng thượng lắp cột ăng ten cao 18 m. Nhưng Công ty này đã không được tòa sơ thẩm đưa vào tham gia vụ án là trái quy định pháp luật. Do đó, ông Hà đề nghị hủy án sơ thẩm.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty Điện thoại Hà Nội 2 đã có mặt và trình bày rằng họ không được biết về vụ tranh chấp này, chỉ đến khi ra cấp phúc thẩm giải quyết họ mới được biết. Tài sản của Công ty này tại căn nhà thế chấp gồm có nhà trạm, vỏ trạm, thiết bị thu phát sóng và cột ăn ten, trong đó có cả những tài sản của Vinaphone.
Trước khi Công ty Điện thoại Hà Nội 2 ký hợp đồng với ông Hà vào năm 2013, thì trạm BTS đã hoạt động và do Vinaphone quản lý, đến năm 2009 thì Công ty dịch vụ viễn thông Hà Nội tiếp nhận trạm từ Vinaphone và đến 6/2012 thì bàn giao cho Công ty Điện thoại Hà Nội 2.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, yêu cầu của VTI buộc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thanh toán hơn 3 tỷ đồng góp vốn vào Công ty VTI, đòi ông Hà trả nợ 500 triệu đồng không liên quan đến quan hệ tín dụng đang tranh chấp. Đề nghị khoanh nợ, không tính lãi của Công ty VTI không có cơ sở để chấp nhận. Đối với kháng cáo ông Hà, Tòa cho rằng không có cơ sở để chấp nhận hợp đồng thế chấp vô hiệu.
Về Công ty Điện thoại Hà Nội 2, Hội đồng xét xử cho rằng, đây là tình tiết mới phát sinh, ngày 8/10/2014 ông Hà mới xuất trình hợp đồng thuê nhà với Công ty Điện thoại Hà Nội 2. Công ty này đề nghị được tham gia giải quyết vụ kiện từ cấp sơ thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Do đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị tuyên hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận thấy nhà đất ở Hoàng Đạo Thành đang được thế chấp tại Eximbank có tài sản của Công ty Điện thoại Hà Nội 2 là trạm BTS đang hoạt động theo hợp đồng thuê nhà. Ở cấp sơ thẩm, các đương sự không cung cấp thông tin này cho tòa án.
Ông Nhàn, bà Hà không đến tòa án theo triệu tập, do đó cấp sơ thẩm không đưa Công ty Điện thoại Hà Nội 2 vào tham gia vụ án. Do hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp có liên quan chặt chẽ nên để giải quyết triệt để vụ án Hội đồng xét xử đã hủy án sơ thẩm để giải quyết lại.