Ảnh Internet
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty TNHH MTV AON Vina trong vụ việc đòi nợ Công ty Keangnam.
Theo hồ sơ vụ án, Aon Vina vốn là công ty con của Keangnam Enterprises (Hàn Quốc) nhưng từ năm 2016 không còn sở hữu vốn. Hiện nay, Aon Vina là chủ tòa nhà Keangnam Landmark Hà Nội.
Trước đó, từ năm 2013 - 2014, Aon Vina và Keangnam đã ký 10 hợp đồng vay vốn với tổng số tiền vay là hơn 16,1 tỷ đồng. Ngoài ra, vào năm 2007, hai bên còn ký hợp đồng xây dựng tòa nhà Keangnam Landmark Hà Nội. Trong đó, Keangnam là nhà thầu chính và Aon cung cấp điện cho Keangnam. Aon cho rằng, Keangnam đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán hóa đơn điện được quy định trong hợp đồng xây dựng với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.
Aon khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC yêu cầu Keangnam phải thanh toán 2 khoản trên với tổng số tiền cả gốc và lãi là 30 tỷ đồng.
Ngày 4/5/2021, VIAC ban hành phán quyết trọng tài với kết quả từ chối toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của Aon. Ngày 4/6/2021, Aon đã gửi đơn lên TAND TP Hà Nội yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Theo đơn yêu cầu, Aon cho rằng phán quyết trọng tài trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Theo Aon, khoản 3, Điều 25 Quy tắc trọng tài thì chỉ có hội đồng trọng tài mới có thẩm quyền mời chuyên gia tham dự phiên họp. Giấy triệu tập ngày 29/7/2020 của hội đồng trọng tài không có chuyên gia nên Aon tin rằng hội đồng trọng tài đã có đủ thông tin từ các báo cáo chuyên gia. Do đó, công ty không mời chuyên gia của mình đến dự hợp. Nhưng vào lúc khai mạc phiên họp, hội đồng trọng tài bất ngờ cho chuyên gia do Keangnam mời tham dự, điều này ảnh hưởng đến sự bình đẳng của các bên.
Ngoài ra, Hội đồng trọng tài không khách quan trong việc sử dụng ý kiến chuyên gia, không đánh giá chứng cứ quan trọng do Aon giao nộp là báo cáo kiểm toán của Keangnam năm 2015.
Đặc biệt, theo Aon, hội đồng trọng tài vi phạm khoản 2 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại vì không tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, khoản 1 Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì không có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam. Tuy nhiên Hội đồng trọng tài đã vi phạm đặc biệt nguyên tắc này khi công nhận hiệu lực pháp lý của quyết định phục hồi kinh doanh của Tòa án Hàn Quốc.
Được biết, năm 2015 Keangnam đã đệ đơn phá sản tại Hàn Quốc nhưng Aon Vina không báo cáo và đăng ký các khoản nợ của mình tại Tòa án phá sản Seoul.
Theo Keangnam, các hợp đồng vay được điều chỉnh bởi pháp luật Hàn Quốc bao gồm quy định tại Điều 251 Luật về phá sản và phục hồi kinh doanh. Theo đó, các chủ nợ bị mất quyền truy đòi nếu không đăng ký các khoản nợ của mình với quản tài viên và Tòa án phá sản Hàn Quốc. Các khoản nợ đó không được ghi nhận trong phương án phục hồi kinh doanh của bên mắc nợ.
Mặt khác, theo khoản 2, Điều 14 Luật Trọng tài thương mại, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Trong trường hợp này, hai bên đã lựa chọn pháp luật Hàn Quốc điều chỉnh các hợp đồng vay. Việc hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Hàn Quốc để giải quyết các hợp đồng vay là đúng quy định.
TAND TP Hà Nội cũng nhận định, do các bên xác định hợp đồng vay áp dụng pháp luật Hàn Quốc nên hội đồng trọng tài căn cứ vào pháp luật Hàn Quốc để giải quyết. Còn việc Keangnam mời chuyên gia, Aon Vina không phản đối và đây cũng không phải là căn cứ để hủy phán quyết trọng tài. Từ đó, Hội đồng xét đơn đã bác đơn yêu cầu của Aon Vina.