Lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu “like” trên các trang mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang và khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Hướng đi đúng ắt có hiệu quả
Việt Nam ghi nhận một trong những câu chuyện thành công lớn nhất trên thế giới trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo quan sát của GS-TS. Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP, hệ thống truy vết, theo dõi và xét nghiệm Covid-19 cùng với việc huy động báo chí, truyền thông vào cuộc công khai minh bạch thông tin về dịch bệnh đã cho thấy hiệu quả ở Việt Nam và đây vẫn là một biện pháp quan trọng để kiểm soát làn sóng lây nhiễm hiện nay.
“Việt Nam đã sớm hành động để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, bao gồm việc đóng cửa biên giới, triển khai hệ thống theo dõi và truy vết nguồn bệnh hiệu quả. Và một trong những bài học lớn được rút ra cho các quốc gia khác là sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó dịch bệnh là điều rất quan trọng”, GS-TS. Jonathan Pincus đánh giá.
Các quốc gia không có kế hoạch, hoặc hành động chậm chễ, sẽ nhanh chóng bị “choáng ngợp” bởi tốc độ lây lan của dịch bệnh. Một khi dịch bệnh lan truyền rộng rãi trong cộng đồng, việc theo dõi và truy vết sẽ trở nên kém hiệu quả hơn.
Cho nên, việc Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đưa ra các quyết định táo bạo ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, truy vết thần tốc, nâng cao năng lực và mở rộng quy mô xét nghiệm đã trở thành chìa khóa để đánh chặn Covid-19.
Việt Nam đã chứng minh rằng, đặt sức khỏe là trung tâm của sự ứng phó với dịch bệnh là cách tiếp cận đúng đắn để bảo vệ người dân và giảm thiểu tác động đến nền kinh tế. Điều này cũng được phản ánh qua việc nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020 và là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được thành tích như vậy.
Tuy nhiên, phòng, chống Covid-19 tốt không có nghĩa Việt Nam miễn nhiễm và đứng ngoài cuộc vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch về Covid-19. Lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu “like” trên các trang mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang và khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Trong văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh cách đây ít ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ tháng 1/2021 đến nay, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (trực thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) đã xác thực thông tin và công bố 33 tin giả, tin sai sự thật. Chỉ tính riêng trong thời gian có dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Google, Youtube, Facebook gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế, 152 bài viết đưa tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 (tỷ lệ gỡ chặn đạt 100%).
Dịch vụ kiểm chứng thông tin mang lại hiệu quả
Song hành cùng đại dịch Covid-19, tin giả và thông tin sai lệch cũng hoành hành và trở thành “đại dịch thông tin” (infodemic). Tuyên bố chung của nhiều tổ chức quốc tế, gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên hợp quốc, UNICEF, UNDP, UNESCO… hồi tháng 9/2020 nêu rằng: “Công nghệ mà chúng ta dựa vào để duy trì kết nối và tiếp nhận thông tin đang kích hoạt và khuếch đại một “infodemic” làm suy yếu phản ứng toàn cầu và gây tổn hại đến các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19”.
Một nghiên cứu mới đây do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp thực hiện đã chỉ ra tác hại của “infodemic” đến sức khỏe của người dân Ukraine.
Từ tháng 3 đến tháng 11/2020, các nhà nghiên cứu của Liên hợp quốc đã dõi theo hơn 30 triệu tin nhắn trên mạng xã hội bằng cách sử dụng nền tảng phân tích và giám sát mạng xã hội SemanticForce; xác định được hơn 250.000 tin nhắn liên quan đến Covid-19 có nội dung sai lệch được phát tán trên các phương tiện truyền thông trực tuyến, diễn đàn, blog, messenger và mạng xã hội của Ukraine.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những lời “đưa chuyện”, nhất là tin giả liên quan đến việc đeo khẩu trang, xét nghiệm Covid-19 và hiệu quả thử nghiệm vắc-xin, nguồn gốc của Covid-19… đã làm giảm mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tuân thủ những hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe cộng đồng (như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội…).
Với Việt Nam, GS-TS. Jonathan Pincus cho rằng, báo chí truyền thông đóng một vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát dịch bệnh. Mức độ cạnh tranh trong ngành thông tin ở Việt Nam ngày càng gia tăng, nhưng các tiêu chuẩn thông tin không phải lúc nào cũng cao như kỳ vọng. Để cải thiện vấn đề này, cần có những cải tiến trong đào tạo báo chí. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở đào tạo báo chí được công nhận ở Việt Nam là chưa nhiều, trong khi các cơ sở này không thực hiện nhiều nghiên cứu về tiêu chuẩn quốc gia.
Trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay, công chúng đặt niềm tin vào các nguồn thông tin đáng tin cậy và có căn cứ. Thế nhưng, “kiểm chứng thông tin (fact-checking) vẫn là điều còn mới mẻ ở Việt Nam. Các đơn vị cung cấp thông tin đáng tin cậy cần xem xét cung cấp một loại hình dịch vụ công thiết thực bằng cách thường xuyên cập nhật các sản phẩm thông tin được kiểm chứng lên mặt báo hoặc các phương tiện truyền thông xã hội”, GS. Jonathan Pincus khuyến nghị.
Thuật ngữ “kiểm chứng thông tin” bắt đầu được biết đến rộng rãi khi website kiểm chứng thông tin PolitiFact giành giải thưởng báo chí danh giá hàng đầu Mỹ Pulitzer vào năm 2009 với việc đối chứng thông tin với những lời hứa tranh cử của ông Barack Obama và tuyên bố của chính phủ Mỹ. Nhưng chỉ đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kiểm chứng thông tin có sự thay đổi lớn về bản chất, từ một công cụ báo chí trở thành vũ khí không thể thiếu trong cuộc chiến chống tin giả/thông tin sai lệch.
Thông tin mới đây của Mạng lưới kiểm chứng thông tin quốc tế (IFCN) cho biết, bảy tổ chức kiểm chứng thông tin trên thế giới sẽ được tài trợ 500.000 USD để đẩy mạnh hoạt động đối phó thông tin sai lệch về vắc-xin Covid-19. Khoản tài trợ này là một phần của Chương trình tài trợ vắc-xin do WhatsApp và IFCN phối hợp thực hiện nhằm giúp các tổ chức kiểm chứng thông tin nhanh chóng mở rộng hoạt động và chống lại thông tin sai lệch về vắc-xin Covid-19.
Hợp tác giữa WhatsApp và IFCN đã xây dựng được cơ sở dữ liệu với 12.000 thông tin Covid-19 bằng hơn 40 ngôn ngữ đã được kiểm chứng. Dữ liệu này được tổng hợp từ hoạt động của hơn 90 tổ chức kiểm chứng thông tin từ trên 70 quốc gia.
Theo ông Flemming Ytzen, cây bút kỳ cựu của nhật báo hàng đầu Đan Mạch Politiken, bất chấp những thông tin sai lệch về Covid-19 đang trôi nổi khắp nơi, dịch bệnh cũng đã hé lộ một bước ngoặt thú vị về hình thức phản ánh sự thật. “Mọi người có thể nói những gì họ muốn nói, nhưng điều đơn giản là không thể xử lý những con số thực tế, chẳng hạn số ca nhiễm Covid-19, số người chết, số giường bệnh cần thiết, máy thở”, ông Flemming Ytzen bình luận.
Ông Flemming Ytzen cùng một số đại biểu khác tham dự Hội nghị trực tuyến Nhà báo Thế giới 2021 vừa qua, đã kêu gọi nỗ lực chung tay từ nhiều phía trong cuộc chiến chống tin giả/thông tin sai lệch. Nếu chúng ta gắn kết như một cộng đồng để chống lại kẻ thù chung là tin giả/thông tin sai lệch, chúng ta có thể trở lại với cảm giác kiểm soát được môi trường của mình và đóng góp cho một điều tốt đẹp hơn.
Năm 2020, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý 122 vụ vi phạm cung cấp thông tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng xã hội việc tại 21 tỉnh/thành phố. Trong quý I/2021, đã xử lý 57 vụ việc tương tự tại 13 tỉnh/thành phố.