Vũ khí mới nhất của Fed chưa thấm tháp với tình hình

Vũ khí mới nhất của Fed chưa thấm tháp với tình hình

(ĐTCK) Trong hơn 1 năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có nhiều cuộc thảo luận để tìm ra phương pháp hỗ trợ nền kinh tế trong chu kỳ suy thoái sắp tới với tâm lý vẫn còn nhiều thời gian, đủ để bình tĩnh dò đường. Vậy nhưng, hoá ra thời gian không nhiều tới vậy khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng sự đã bắt đầu năm 2020 với các tín hiệu cho thấy sẽ giữ nguyên lãi suất để tạo sức mạnh cho nền kinh tế.

Vậy nhưng, mới đây, cơ quan này đã phải tung ra vũ khí “hạng nặng” khi hạ lãi suất từ 1%, xuống mức 0 - 0,25%/năm, đồng thời bơm ít nhất 700 tỷ USD ra thị trường thông qua các chương trình mua trái phiếu.

Ðây là động thái đột ngột và vội vã trong cuộc đua cứu nền kinh tế Mỹ trước khi rơi vào suy thoái bởi tác động của dịch bệnh.

Tại thời điểm này, Fed đã xoá sạch quá trình nâng lãi suất trong hơn 3 năm qua, quay trở về mức lịch sử vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008. Câu hỏi đặt ra bây giờ là làm gì tiếp theo?

Từ góc nhìn của Fed, theo biên bản cuộc họp gần nhất, cơ quan này nhắc tới nội dung áp dụng các công cụ đã được sử dụng trong năm 2008 và sau đó sẵn sàng cho những động thái mạnh hơn.

Narayana Kocherlakota, Chủ tịch Fed tại Minneapolis giai đoạn 2009  - 2015 nhận định, hiện tại, Fed cần sử dụng ngay các công cụ đã có và nhiều hơn nữa, với tốc độ nhanh hơn.

Trong đó, Fed có thể tiến theo bước chân của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất nhằm kéo thấp lãi suất trong dài hạn, thay vì để cho giới đầu tư quyết định.

Bên cạnh đó, lãi suất âm cũng là một trong những chính sách được BOJ, cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng trong thời gian qua nhằm cổ vũ tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất âm là một trong những chính sách được Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra ủng hộ, nhưng Fed lại không thích ý tưởng này.

Ngay sau khi công bố hạ lãi suất, Chủ tịch Fed cho biết, ông không nghĩ lãi suất âm sẽ là chính sách thích hợp với nước Mỹ.

Tuy nhiên, mọi chuyện đều có thể đảo ngược, nhất là khi có quá nhiều yếu tố khó đoán định bao trùm nền kinh tế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tăng trưởng kinh tế có thể lao dốc nhanh chóng, dù lãi suất đang ở mức nào, do chi tiêu cho đi lại, du lịch, giải trí… suy giảm. Hoạt động kinh doanh đình trệ khiến tiền lương đi xuống, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Goldman Sachs dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 5% trong quý II, sau khi đứng gần mức 0% trong quý I, đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp nhất 50 năm qua, nhưng con số này không phải là biện pháp đảm bảo.

Các nhà chính sách đã nhắc lại việc tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên gần gấp đôi chỉ trong 18 tháng khi khủng hoảng tài chỉnh xảy ra và đạt đỉnh 10% một cách nhanh chóng. Trong khi đó, con số này không giảm xuống mức 5% cho tới 6 năm sau khi khủng hoảng kết thúc.

Trong khi đó, dịch Covdi-19 cho thấy những tác động tới nền kinh tế là không hề nhẹ nhàng, theo David Wicox, cựu giám đốc nghiên cứu và thống kê của Hội đồng Thống đốc Fed, hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu Peterson về kinh tế quốc tế.

Ở góc nhìn khác, nhìn lại giai đoạn từ 2008, Nathan Sheets, cựu quan chức Fed và Bộ Tài chính Mỹ, hiện là nhà kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income nhận định, ECB đang mắc kẹt với lãi suất âm, BOJ còn kẹt lâu hơn.

“Nếu Fed đưa lãi suất về mức 0, thậm chí lùi xa hơn, các thành viên thị trường ngày lập tức nhận định sẽ rất khó để cơ quan này có thể lăn bánh xe tăng lãi suất trở lại”, Nathan Sheets nhận định.

Một diễn biến không lấy làm thoải mái khác với Fed là việc cơ quan này đang không ở tình trạng tốt nhất để sử dụng các chính sách tiền tệ, lẫn chính sách tài khoá bởi lạm phát vẫn ở mức thấp dưới 2% mục tiêu đề ra trong nhiều năm qua. Với việc dịch bệnh khiến chi tiêu, đầu tư đi xuống, tình trạng này sẽ còn kéo dài hơn nữa.

Tin bài liên quan