Vũ khí mới của doanh nghiệp chống vi phạm bản quyền

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp nội dung số “xuất chiêu” bằng vũ khí mới để chống lại nạn vi phạm bản quyền video trực tuyến đang gây thiệt hại lớn cho họ.
Bản quyền bóng đá nằm trong top bị vi phạm nhiều nhất ở Việt Nam

Bản quyền bóng đá nằm trong top bị vi phạm nhiều nhất ở Việt Nam

Ra ngõ bị… vi phạm bản quyền

Chương trình Gặp nhau cuối năm (Táo quân) của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là một trong những chương trình bị vi phạm bản quyền nhiều nhất, chẳng hạn Táo quân 2021 đã có 2.011 trường hợp vi phạm bản quyền và chỉ trong 1 năm, VTV phải xử lý hơn 30.000 video lậu trên Facebook và hơn 8.000 video lậu trên YouTube, chưa kể trên các nền tảng web khác.

“Một số trường hợp mua bản quyền của nước ngoài, chúng tôi còn gặp khó khăn nhiều hơn. Chẳng hạn mua bản quyền của các giải bóng đá, nếu vi phạm điều khoản, trong đó có việc bị ăn cắp bản quyền, chúng tôi sẽ phải cắt sóng giữa chừng, năm sau không thể tiếp tục mua được do uy tín giảm sút. Chúng tôi sẽ không thu hồi được khoản tiền mà đáng lẽ chúng tôi nhận được từ toàn bộ mùa giải đó”, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng ban Ban Kiểm tra VTV chia sẻ.

Tại K+, đơn vị sở hữu phát sóng giải Ngoại hạng Anh, có đến 4.000 link vi phạm được K+ phát hiện trong 1 tháng với hàng triệu lượt xem. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phải yêu cầu ngăn chặn hơn 40 website vi phạm bản quyền bóng đá Ngoại hạng Anh. Mức độ vi phạm bản quyền bóng đá tại Việt Nam được Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh đánh giá là đứng thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc).

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, hàng ngàn trang thông tin hàng ngày truyền tải lượng thông tin báo chí, nội dung số, video clip khổng lồ tới hàng triệu người dùng Internet. Trong đó, có nhiều nội dung thông tin được lưu trữ, đăng tải trái phép, không thực hiện đúng quy định về trao đổi bản quyền với các chủ sở hữu bản quyền nội dung, gây thiệt hại tới quyền lợi và uy tín của các đơn vị chủ sở hữu nội dung.

“Trong thời gian vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung. Đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc…”, ông Tự Do cho biết.

Tính đến tháng 6/2022, Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam đến trên 500 website vi phạm bản quyền.

Báo cáo của Media Partners Asia cho thấy, tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến, từ đầu năm đến nay, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp.

Giải pháp công nghệ chống vi phạm bản quyền

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) phân tích, hiện có 2 kênh bảo vệ chính cho các nội dung bản quyền.

Thứ nhất là kênh về mặt hành chính, tư pháp. Người bị vi phạm yêu cầu cơ quan quản lý hành chính nhà nước, ví dụ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hay các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt hoặc kiện ra tòa. Tuy nhiên, các cơ chế hành chính, tư pháp như vậy gặp nhiều khó khăn, thủ tục phức tạp, trong khi ở môi trường số, sự vi phạm diễn ra rất nhanh, phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể copy một sản phẩm âm nhạc và đưa lên nền tảng trực tuyến.

Thứ hai là công cụ của công nghệ. Việc hoạt động bảo vệ bản quyền bằng công nghệ diễn ra nhanh và hiệu quả, cho thấy công nghệ đóng vai trò lớn và là công cụ để giải quyết được nạn vi phạm bản quyền.

Một trong những giải pháp công nghệ được xem là hữu hiệu nhất hiện nay là chặn DNS (chặn truy cập vào website vi phạm bản quyền). “Việc vi phạm bản quyền trực tuyến trong vài năm qua đã giảm đáng kể, lượng truy cập vào các trang bất hợp pháp mà chúng tôi theo dõi ở Việt Nam đã giảm gần 50% vào năm 2021, năm mà lượng truy cập vào các trang web hợp pháp tăng mạnh”, ông Matthew Cheetham, Giám đốc Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) cho biết.

Ông Kevin Plumb, Giám đốc pháp lý giải Ngoại hạng Anh (EPL) cũng cho rằng: “Các trang web truy cập miễn phí vẫn luôn là hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở Việt Nam, điều này trả lời cho câu hỏi vì sao việc áp dụng một quy trình chặn trang web hiệu quả như chúng tôi đang có là rất quan trọng để giải quyết vấn nạn này”.

Theo ông Kevin Plumb, chặn DNS là một công cụ quan trọng trong công cuộc phòng chống và ngăn chặn các trang web vi phạm bản quyền mở ra ở Việt Nam. Việc chặn DNS cho phép K+ khoanh vùng các tên miền vi phạm bản quyền xem được các nội dung của giải Ngoại hạng Anh phổ biến nhất, sau đó gây khó khăn cho người dùng trong việc tìm kiếm các nội dung vi phạm, từ đó tạo ra một trải nghiệm không mấy dễ chịu cho họ. Tuy nhiên, việc chặn DNS chỉ là một phần trong chiến lược và chỉ thực sự hiệu quả khi được kết hợp với các chiến lược khác, bao gồm áp dụng công nghệ, làm gián đoạn, giáo dục và thực hiện các hành động pháp lý.

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, bà Celine Boyer, Trưởng phòng An ninh mạng của Tập đoàn Canal+ cho biết, nước Pháp đã chặn tất cả các trang web lậu có thể truy cập được từ Pháp, bất kể nguồn phát là ở Pháp hay ở các nước khác. Việc chặn các trang web từ nước ngoài có lượng truy cập lớn có thể đem lại kết quả tích cực trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền.

“Cần rút ngắn thời gian tiến hành chặn qua việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thiết lập một công cụ để kết nối giữa đơn vị phát sóng/chủ sở hữu với các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP), để thu thập các trang web cần phải chặn cùng với các bằng chứng liên quan, giúp việc chặn truy cập gần như tự động bởi các ISP”, bà Celine Boyer khuyến nghị.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ đô Multimedia thì đưa ra giải pháp công nghệ để chủ động ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến hiệu quả. Đó là sử dụng Sigma DRM để khóa mã các nội dung có bản quyền khi phân phối trên môi trường Internet kết hợp với Finger Print, để loại bỏ ngay lập tức các luồng phát lậu trực tiếp.

Theo các chuyên gia, nếu hạn chế, kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền, lượng khách hàng và doanh thu sẽ gia tăng, giá trị đầu tư cho các nội dung video trực tuyến trong nước sẽ tăng gấp 2 lần, đạt mức 150 triệu USD vào năm 2027 (hiện tại là 75 triệu USD).

Tin bài liên quan