Ảnh minh họa: Reuters.

Ảnh minh họa: Reuters.

“Vũ khí” giúp Tổng thống Putin chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Putin vẫn ổn định được giá trị của đồng rúp và khiến các nhà lãnh đạo phương Tây lo lắng khi đe dọa cắt giảm nguồn cung khí đốt.

Đồng rúp tăng giá giữa bão trừng phạt

Kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thực hiện một “cuộc phản công về kinh tế” nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga với các khoản dự trữ hàng trăm tỷ USD và ngăn chặn phần lớn hoạt động thương mại quốc tế của nước này. Phương Tây đã trừng phạt hơn 1.000 công ty, tổ chức và các cá nhân, trong đó có cả những nhân vật thận cận với Tổng thống Putin.

Nhưng tuần trước, nhà lãnh đạo Nga đã nhắc nhở thế giới rằng ông có những “vũ khí kinh tế” riêng có thể sử dụng để chống đỡ lệnh trừng phạt hoặc gây tổn thương cho Mỹ và châu Âu.

Thông qua một loạt biện pháp mạnh mẽ của của chính phủ và ngân hàng trung ương Nga, đồng rúp vốn mất gần một nửa giá trị đã lấy lại đà tăng gần bằng thời điểm trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Theo Reuters, ở mức đỉnh của phiên giao dịch ngày 29/3, tỷ giá đồng rúp đạt dưới 83 rúp đổi 1 USD, mức cao nhất trong hơn 1 tháng.

Tiếp đến là cảnh báo của ông Putin ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu nếu 48 “quốc gia không thân thiện” không trả phí mua bằng đồng rúp. Lời đe dọa này đã khiến các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu là Đức và Italy “đứng ngồi không yên”, đồng thời gây chia rẽ trong nội bộ EU về việc ban hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Nga.

Châu Âu cần năng lượng Nga để thúc đẩy nền kinh tế của họ. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của các quốc gia EU và khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ. Chính sự phụ thuộc này đã khiến họ ngần ngại đánh vào “huyết mạch kinh tế” Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước cảnh báo rằng việc cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga từ ngày này sang ngày khác, sẽ khiến “đất nước của chúng tôi và toàn bộ châu Âu rơi vào suy thoái”. Đức đã bắt đầu “giai đoạn cảnh báo sớm” với việc lập kế hoạch ứng phó trường hợp khẩn cấp về khí đốt tự nhiên.

Mặc dù Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ của Mỹ trong 6 tháng tới và tăng cường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu, nhưng nỗ lực này vẫn không đủ để thay thế toàn bộ nguồn năng lượng mà Nga cung cấp.

Không chỉ là nhà cung cấp khí đốt lớn, Nga còn là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, cung cấp khoảng 1/10 lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu. Viện kinh tế Bruegel ở Brussels cho biết, các hoạt động mua năng lượng của châu Âu đang tạo ra nguồn thu 850 triệu USD mỗi ngày cho Nga. Số tiền đó có thể giúp Moscow tăng cường năng lực quân đội và giảm tác động của các lệnh trừng phạt.

Bài học cho phương Tây

Theo ước tính của công ty tư vấn toàn cầu Oxford Economics, doanh thu xuất khẩu khí đốt từ tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, đã giúp bơm 9,3 tỷ USD vào nền kinh tế nước này riêng trong tháng 3/2022. Oxford Economics nhận định: “Bài học cho phương Tây là các biện pháp trừng phạt tài chính chỉ có hiệu quả đến một mức nào đó nếu không đi kèm các trừng phạt thương mại".

Xung đột tại Ukraine đã khiến phương Tây tìm cách thoát sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Phát biểu khi công bố kế hoạch năng lượng mới vào tháng 3/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi chỉ đơn giản là không thể dựa vào một nhà cung cấp đang đe dọa chúng tôi một cách rõ ràng”.

EU hiện đang hướng đến mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trước mùa Đông năm 2023 và chấm dứt phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu của Nga từ năm 2027. Nhưng các chuyên gia đánh giá, mục tiêu này có thể quá tham vọng.

Trong bất cứ trường hợp nào, việc chuyển đổi sang các nhà cung cấp khác cũng như thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ rất tốn kém và khó khăn.

Châu Âu có thể phải trải qua những mùa Đông lạnh giá, chứng kiến giá cả leo thang và hoạt động kinh tế giảm sút trong một vài năm tới do thiếu hụt năng lượng.

Tổng thống Putin đã thực hiện một loạt biện pháp để giảm nhẹ tác động của các biện pháp trừng phạt và nâng đỡ đồng rúp. Bởi rất ít yếu tố có thể làm tổn hại hệ thống tài chính của một quốc gia như việc đồng tiền nội tệ bị suy yếu một cách bất ngờ.

Nga cho rằng, nếu không thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble thì điều này sẽ được xem là lỗi của người mua. (Nguồn: Getty Images).
Nga cho rằng, nếu không thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble thì điều này sẽ được xem là lỗi của người mua. (Nguồn: Getty Images).

Khi Mỹ và đồng minh đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga, khiến giá trị đồng rúp sụp giảm, ngân hàng này đã tăng lãi suất lên 20%, còn chính phủ yêu cầu các công ty chuyển đổi 80% số lượng đồng USD, đồng euro và các ngoại tệ khác mà họ đang nắm giữ sang đồng rúp để gia tăng nhu cầu và thúc đẩy giá trị đồng tiền này. Những biện pháp đó đã giúp đồng rúp lấy lại giá trị.

Nhưng phương Tây vẫn tin vào hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Nga, cho rằng sự ổn định của đồng tiền này không phải do tác động của thị trường và sự tăng trưởng của nền kinh tế mà là do sự can thiệp của chính phủ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh việc đồng rúp hồi phục là do sự "thao túng" của chính quyền Nga, do đó sẽ không bền vững.

Điều khiến nhiều nhà phân tích phương Tây khó hiểu là tại sao Nga nhất quyết giữ hình thức thanh toán này trong khi Moscow có thể dễ dàng tiếp nhận tiền euro và USD do chính phủ nước ngoài chi trả sau đó chuyển chúng sang đồng rúp. Những tuyên bố và điều kiện mà Tổng thống Putin đặt ra liên quan đến vấn đề cung cấp khí đốt đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây đau đầu khi cố gằng tìm hiểu chiến lược và động cơ của ông.

Theo một số nhà quan sát, Tổng thống Putin có thể muốn đặt chính phủ các nước châu Âu vào tình thế khó, hoặc muốn chứng tỏ Nga không và sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước các lệnh trừng phạt. Nhưng yêu cầu này cũng có thể phản ánh những khó khăn mà Moscow đang phải đối mặt.

Chỉ trong vài tuần, quan hệ kinh doanh, thương mại giữa Nga với các nền kinh tế phương Tây được xây dựng hàng thập kỷ kể từ sau khi Liên Xô tan rã đã đứng trên bờ vực đổ vỡ. Ước tính, khoảng 500 công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga, thu hẹp hoạt động kinh doanh hoặc cam kết sẽ thực hiện bước đi này.

Nga đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế và một số nhà phân tích dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế có thể giảm tới 20% trong năm nay.

Một cuộc khảo sát của S&P Global cho biết, có sự sụt giảm trong sản xuất, việc làm và đơn đặt hàng mới trong tháng 3, còn giá cả nhiều mặt hàng thì tăng mạnh. Iwona Wiśniewska, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông (OSW), nhận định cuộc khủng hoảng mà Nga hiện đang phải đối mặt rất khác so với 5 cuộc khủng hoảng trước đó mà nước này đã trải qua trong 30 năm qua bởi nó bắt nguồn từ nguyên nhân chính trị.

Về phần minh, châu Âu cũng đang “ngấm’ đòn trả đũa của Nga. Cơ quan thống kê Eurostat cho biết Lạm phát tại châu Âu đã tăng cao kỷ lục, khiến giá cả các mặt hàng từ hàng tạp hóa đến nhiên liệu thô trở nên đắt đỏ hơn. Tổ chức tư vấn Bruegel dự đoán, châu Âu sẽ thiếu hụt 10% đến 15% lượng khí đốt để đáp ứng nhu cầu thông thường nhằm vượt qua mùa Đông tới.

Hiện tại, kịch bản Nga cắt đứt nguồn cung vẫn chưa xảy ra. Nhưng yêu cầu của Tổng thống Putin buộc phương Tây chi trả việc mua khí đốt bằng đồng rúp đã khiến Đức và Áo khuyến cáo người dân cần chuẩn bị trước cho những tình huống xấu. Hai quốc gia này đã thực hiện những bước đi chính thức đầu tiên hướng tới việc phân bổ năng lượng. [Phân bổ năng lượng chủ yếu liên quan đến việc bắt buộc tiết kiệm năng lượng như một sự thay thế cho cơ chế giá trong thị trường năng lượng. Việc phân bổ năng lượng được sử dụng như biện pháp cuối cùng, thường là trong tình huống khẩn cấp – ND].

Tin bài liên quan