Đây là vụ tranh chấp bảo hiểm đã kéo dài, theo đơn kiện mới nhất, JSV yêu cầu MIC thực hiện nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm cho tổn thất của JSV số tiền hơn 3,618 tỷ đồng (bao gồm cả lãi phát sinh), trong khi MIC chỉ chấp nhận bồi thường 723,7 triệu đồng.
Tại phiên xử, tòa án cho biết, cơ quan phòng cháy chữa cháy kết luận JSV không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, đồng thời không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy (do JSV hoạt động từ năm 2010, thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 35/2003/NĐ-CP), thế nhưng hợp đồng bảo hiểm giữa 2 bên có điều khoản quy định khách hàng phải cung cấp tài liệu này.
Do đó, theo tòa án, đây là lỗi của khách hàng, chứ không phải là lỗi của cơ quan chức năng. Ngoài ra, cũng theo tòa án, việc không ngắt điện khi ra về của công nhân là cũng lỗi của JSV, bởi đây là một phần nguyên nhân gây cháy.
Tuy nhiên, theo đại diện bảo vệ quyền lợi cho JSV, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm Tila, quy định của cơ quan phòng cháy chữa cháy là phải ngắt điện khi không sử dụng, nhưng trong trường hợp này, JSV vẫn đang vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không thể ngắt điện.
“Thậm chí ngay cả khi đây là lỗi của công nhân, nhưng do không phải lỗi cố ý nên theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa 2 bên thì vẫn được bồi thường bảo hiểm”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Về phía MIC, sau những lời khai cũng như lập luận liên quan đến lỗi không ngắt điện, MIC chỉ chấp nhận bồi thường tổn thất 723,7 triệu đồng.
Phía JSV cho biết, việc MIC lấy Bộ luật Dân sự 2005 để làm cơ sở giảm trừ số tiền bồi thường là không phù hợp do luật này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, trong khi sự cố cháy xảy ra vào tháng 3/2017.
Tuy vậy, tòa án vẫn chấp nhận luận cứ của MIC và yêu cầu MIC chi trả 30% tổng giá trị bị tổn thất thuộc trách nhiệm của nhà bảo hiểm.
Không hài lòng với phán quyết của tòa án, phía JSV cho rằng, phán quyết này không có cơ sở pháp lý bởi theo quy định mới nhất (bãi bỏ Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc), trong trường hợp xuất hiện lỗi vô ý của người tham gia bảo hiểm thì chỉ được phép giảm trừ tối đa 10% tổng số tiền bồi thường, trong khi số tiền bồi thường theo phán quyết của tòa tương đương mức giảm trừ là 70%).
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo lên tòa cấp cao hơn là Tòa án nhân dân TP. Hà Nội”, ông Nguyên nói.
Về phía MIC, phóng viên cũng đã liên hệ để hỏi về quan điểm và hành động của MIC sau phiên tòa, nhưng nhà bảo hiểm này từ chối chia sẻ thêm. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục truyền tải thông tin tới độc giả khi có tình tiết mới.
Vụ tranh chấp bồi thường bảo hiểm giữa JSV và MIC diễn tiến như sau:
- Ngày 20/4/2016, JSV và MIC ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số 275/10/HĐ.
- Ngày 26/3/2017, tại phòng xi mạ của JSV đã xảy ra cháy.
Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội), nguyên nhân cháy là do chập mạch điện tử phòng xi mạ. Theo báo cáo giám định của Công ty cổ phần Giám định Smart, mức thiệt hại là hơn 3,618 tỷ đồng, nên yêu cầu MIC bồi thường số tiền này cho JSV.
- Ngày 14/11/2017, MIC gửi công văn cho JSV cho biết, JSV không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Mặt khác, tại biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy ngày 15/1/2016 của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 13, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội nhận định, khu văn phòng của JSV chưa thẩm duyệt phòng cháy nhưng vẫn đi vào hoạt động. Do vậy, MIC chỉ chấp nhận bồi thường tổn thất 723,7 triệu đồng.
- Sau nhiều lần thương lượng không thành công, ngày 6/4/2018, phía JSV đã nộp đơn khởi kiện MIC lên Tòa án nhân dân Quận Đống Đa. Ngày 12/4/2018, tòa thụ lý hồ sơ.