Keangnam: Biểu tượng của Hà Nội hay biểu tượng của bê bối
Như ĐTCK đã đưa tin, ngày 12/6, Toàn án Nhân dận quận Nam Từ Liêm đã đưa ra xét xử vụ khách hàng kiện chủ đầu tư Keangnam.
Theo đó, giao dịch giữa khách hàng và Keangnam diễn ra từ năm 2009, quá trình thực hiện, hai bên đã phát sinh mâu thuẫn. Tranh chấp giữa hai bên gồm 3 nội dung.
Thứ nhất, việc tính giá bán bằng USD và quy đổi ra VND, khách hàng cho rằng việc này vi phạm quy định về quản lý ngoại hối.
Thứ hai, Keangnam giao căn hộ thiếu diện tích, thiếu của khách hàng 15 m2 do tính thêm cả diện tích của tường, cột, hộp kỹ thuật, vốn không nằm trong diện tích riêng của căn hộ mà khách hàng mua.
Thứ ba, khách hàng cho rằng Keangnam cung cấp thông tin không trung thực, lừa dối khách hàng. Bản vẽ phối cảnh mà Keangnam đưa ra thể hiện 2 tòa tháp A và B nằm sát công viên đô thị, hồ nước nhưng trên thực tế, đối diện hai tòa tháp là lô đất E1 và E2, trong đó có Nhà tang lễ Văn Minh.
Tranh luận giữa hai bên trong phiên tòa sơ thẩm chủ yếu xoay quanh 3 nội dụng này. Đáng chú ý, tại phiên tòa sơ thẩm, vị đại diện người Hàn Quốc của Keangnam đã có phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng và sự đóng góp của Keangnam đối với Thủ đô Hà Nội.
Vị đại diện này tự gọi Keangnam là biểu tượng của Hà Nội. “Keangnam là dự án được nhà đầu tư Hàn Quốc theo dõi để quyết định đầu tư vào Việt Nam. Việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam góp phần quan trọng để phát triển kinh tế. Tòa nhà này được xây dựng nên nhằm đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam” – đại diện Keangnam nói.
Ý kiến này ngay lập tức bị bà Lê Xuân Hoa, đại diện nguyên đơn “đáp trả”. Bà Hoa khẳng định, ngay khi bắt đầu đầu tư Keangnam đã thu tiền của dân rồi chứ không phải hoàn toàn tiền của Keagnnam đầu tư.
“Nói Keangnam đầu tư thì phải hiểu song song chính chúng tôi, khách hàng của Keangnam, người dân của Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước và làm giàu cho Keangnam” – bà Lê Xuân Hoa nói.
Bà Lê Xuân Hoa nói: "xin nói thêm là ngoài biểu tượng về tòa nhà cao nhất Hà Nội, Keangnam cũng đang là biểu tượng về sự bê bối. Thứ nhất là trốn thuế. Thứ hai là chuyển giá”.
Chủ tọa phiên tòa đã ngắt lời các bên, đề nghị dừng lại, “không tranh luận vấn đề đó ở đây”.
Bác đơn khởi kiện của khách hàng
Sáng 17/6, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã công bố bản án. Theo đó, Hội đồng xét xử xét thấy việc quy định giá căn hộ bằng USD là vi phạm quy định của Pháp lệnh ngoại hối, vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử áp dụng Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao hướng dẫn Pháp lệnh hợp đồng kinh tế để cho rằng, hợp đồng mua bán căn hộ chỉ vô hiệu từng phần.
Theo Nghị quyết này, nếu hợp đồng kinh tế có nội dung giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng các bên đã thỏa thuận thực tế thanh toán bằng VND thì không bị vô hiệu toàn phần.
Hội đồng xét xử cũng áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về giao dịch vô hiệu từng phần để tuyên hợp đồng mua bán căn hộ chỉ vô hiệu một phần. Đồng thời, điều chỉnh giá bán căn hộ theo VND tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, tức là căn hộ có giá 319.394 USD nhân với tỷ giá khi đó là 18.179 đồng/USD thành 5,902 tỷ đồng.
Về cách tính diện tích, theo hợp đồng, các bên đã lựa chọn cách tính từ tim tường đến tim tường theo Thông tư 01/2009. Hình ảnh thực tế của căn hộ mẫu có thể hiện diện tích căn hộ có cột chịu lực, có hộp kỹ thuật số, hộp phòng cháy chữa cháy phòng bếp, phòng ăn… Nguyên đơn được xem và không có ý kiến gì về diện tích căn hộ, đã ký hợp đồng. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về diện tích căn hộ.
Căn cứ vào kết quả thẩm định của Trung tâm Kiểm định chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ thì diện tích thực tế của căn hộ là 117,129 m2 thiếu so hợp đồng là 0,791m2 .
Về việc mguyên đơn trình bày Keangnam cung cấp thông tin không trung thực, Keangnam thừa nhận thể hiện có công viên, hồ nước bể bơi, nhưng dưới bản vẽ phối cảnh cũng ghi rõ các thông tin bản vẽ phối cảnh và hình ảnh trên có thể bị thay đổi mà không cần báo tước cho bên mua. Nguyên đơn đã được xem và cảnh báo trước nhưng vẫn ký hợp đồng, nên không có cơ sở để chấp nhận.
Từ đó, Hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của khách hàng, xác định lại giá bán căn hộ là 5,902 tỷ đồng, xác nhận nguyên đơn đã thanh toán hơn 781 triệu đồng, xác định diện tích căn hộ trên thực tế là 117,129m2, thiếu 0,791m2 so với hợp đồng.
Hội đồng xét xử cũng không chấp nhận đơn phản tố của Keangnam vì cho rằng khách hàng không vi phạm nghĩa vụ thanh toán, mà chỉ dừng thanh toán do phát hiện Keangnam vi phạm điều cấm của pháp luật về ngoại hối.