Vụ DQS kiện Bảo Minh: Sẽ tiến hành xem xét vụ việc tại Toà

Vụ DQS kiện Bảo Minh: Sẽ tiến hành xem xét vụ việc tại Toà

(ĐTCK-online) Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có thông báo thụ lý vụ việc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) kiện Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh (Bảo Minh) vì từ chối bồi thường bảo hiểm con tàu chở dầu trọng tải 104.000 tấn. Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban quản lý nghiệp vụ Bảo Minh

Ông có thể cho biết thông tin mới nhất về vụ việc DQS kiện Bảo Minh? Dự kiến bao giờ vụ việc được đưa ra xét xử?

Vào ngày 9/6/2011 vừa qua, Bảo Minh và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với sự tham dự của Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) do PVN mời đến để tư vấn cho PVN, đã có cuộc họp để giải quyết vụ việc trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, tôn trọng nhau, tôn trọng pháp luật và đảm bảo lợi ích hợp pháp của hai bên. Theo đó, hai bên thống nhất sẽ tiến hành xem xét các khía cạnh pháp lý của vụ việc và thực hiện việc thương lượng, hòa giải tại tòa án.

Theo quy định về thủ tục giải quyết các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế, thì sau khi tòa án thụ lý vụ kiện, tòa sẽ xem xét và có hai lần các bên hòa giải chính chức tại tòa án. Sau hai lần hòa giải này, nếu hai bên không thương lượng, thỏa thuận được, khi đó tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

 

Tại sao khi DQS vi phạm nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm nhưng Bảo Minh không ra quyết định chấm dứt HĐBH, mà đồng ý gia hạn bảo hiểm cho DQS thêm 14 tháng nữa?

Khi đơn bảo hiểm chính hết hạn ngày 30/12/2008 thì DQS mới thanh toán cho Bảo Minh 2 tỷ đồng và còn nợ Bảo Minh 2,773 tỷ đồng (trong đó nợ kỳ 1 là 386 triệu đồng). Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm mặc nhiên chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nền kinh tế, ngành hàng hải Việt Nam nói chung và DQS nói riêng gặp khó khăn về tài chính, trong khi đó con tàu vẫn chưa đóng xong và tiếp tục bị đe dọa bởi nhiều rủi ro. Với thiện chí và sự quan tâm đến quyền lợi của khách hàng, Bảo Minh đã chấp nhận gia hạn bảo hiểm cho DQS. Ngoài ra, Bảo Minh cũng gia hạn thời hạn đóng phí cho nợ phí kỳ 1 của đơn bảo hiểm gốc là 386 triệu đồng đến ngày 30/1/2009.

 

Không chấp nhận bồi thường, nhưng khi tổn thất xảy ra sau ngày hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực đến 8 tháng mà Bảo Minh vẫn thuê công ty giám định độc lập vào giám định và xác định mức độ tổn thất của DQS?

Việc chúng tôi mời công ty giám định độc lập nhằm xác định mức độ và nguyên nhân tổn thất một cách khách quan cho cả hai bên và cũng để phục vụ công tác xử lý tranh chấp (nếu có) sau này. Đây là một biện pháp nghiệp vụ thông thường của bất kỳ công ty bảo hiểm nào được thực hiện trong quá trình xử lý tổn thất và không được hiểu là một sự thừa nhận trách nhiệm bảo hiểm trong bất kỳ trường hợp nào. Cũng xin lưu ý, Bảo Minh tự chịu toàn bộ chi phí thuê giám định này.

 

Được biết, đối với hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn thì các công ty bảo hiểm đều thực hiện tái bảo hiểm cho các công ty tái bảo hiểm. Trong hợp đồng với DQS, trách nhiệm giữ lại của Bảo Minh là bao nhiêu? Quan điểm của các nhà tái bảo hiểm về vụ việc này ra sao?

Hàng năm, các doanh nghiệp bảo hiểm đều ký kết các chương trình tái bảo hiểm phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng tài chính của mình, Bảo Minh chỉ giữ lại theo khả năng tự chịu của Bảo Minh, phần vượt quá sẽ tái bảo hiểm cho thị trường trong nước và quốc tế. Việc giải quyết bồi thường của Bảo Minh không phụ thuộc vào việc Bảo Minh tái đi nhiều hay ít, mà phải căn cứ trên hợp đồng bảo hiểm và các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cũng như các quy định của pháp luật có liên quan. Các nhà tái bảo hiểm luôn theo dõi, kiểm soát và yêu cầu bảo hiểm gốc giải quyết bồi thường theo đúng hợp đồng bảo hiểm và điều kiện, điều khoản đã ký kết.

 

Bảo Minh vẫn quyết định giải quyết vụ việc tại tòa án?

Vụ việc đã được DQS đưa ra tòa án giải quyết, đây là vụ tổn thất lớn, rất phức tạp về nghiệp vụ. Đồng thời, các nhà tái bảo hiểm trong và ngoài nước cũng đang theo dõi sát sao tiến trình giải quyết bồi thường. Do vậy, tôi cho là Bảo Minh sẽ tiếp tục giải quyết vụ việc tại tòa án theo đúng các trình tự thủ tục tố tụng. Ngay cả khi hai bên đạt được kết quả thương lượng thì cũng sẽ có sự chứng kiến và xác nhận của tòa án.