Vụ DIV kiện Vietinbank: Mỗi bên một quan điểm

Vụ DIV kiện Vietinbank: Mỗi bên một quan điểm

(ĐTCK) Hai tổ chức tài chính của Nhà nước phát sinh tranh chấp, cả hai bên đều khăng khăng đã thực hiện đúng các chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

> Vietinbank bị kiện vì khoản vay 640 tỷ đồng

Vietinbank cho rằng mình thực hiện đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giảm lãi suất cho vay, trong khi Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) bị buộc thu hồi khoản tiền 43,7 tỷ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Mấu chốt nằm ở chỗ xác định hợp đồng đầu tư vốn hai bên đã ký kết khác nhau, từ đó, áp dụng căn cứ pháp luật để thực hiện khác nhau. ĐTCK đã lấy ý kiến của các bên và chuyên gia luật xung quanh câu chuyện về tranh chấp về hợp đồng cho vay 640 tỷ đồng giữa hai tổ chức này.

 

Bản chất của các hợp đồng đầu tư vốn này là các hợp đồng huy động vốn theo nghiệp vụ thông thường

Đại diện Vietinbank

Thứ nhất, theo Điều 6, Quy chế quản lý tài chính của DIV thì DIV chỉ được sử dụng tiền nhàn rỗi gửi tại các ngân hàng quốc doanh, NHNN, Kho bạc Nhà nước và một số ngân hàng TMCP nhóm A theo quy định của NHNN.

Theo Điều 47, 48, Luật Các tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng, trong đó, có Vietinbank chỉ được vay vốn tại NHNN, các tổ chức tín dụng trong nước, các tổ chức tín dụng nước ngoài. DIV không phải là một tổ chức tín dụng, bởi vậy không thể có chuyện cho vay tài sản ở đây.

Như vậy, Vietinbank cho rằng, bản chất của các hợp đồng đầu tư vốn này là các hợp đồng huy động vốn theo nghiệp vụ thông thường và được phép của các ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật không có bất cứ một quy định nào về việc ngân hàng huy động vốn và trả trước hạn thì phải trả toàn bộ lãi. Hợp đồng được ký kết giữa các bên không có thỏa thuận bồi thường và phạt vi phạm. Quy định của pháp luật yêu cầu đương sự phải tự chứng minh được thiệt hại thực tế, song DIV chưa chứng minh được mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và thiệt hại, nên yêu cầu Vietinbank phải trả toàn bộ lãi cho kỳ hạn là không có căn cứ.

Thứ hai, từ tháng 10/2008 đến tháng 2/2009, NHNN liên tiếp hạ lãi suất cơ bản từ 14%/năm xuống còn 7%/năm và yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Nếu không trả vốn, Vietinbank sẽ phải chịu thiệt hại lớn, gây ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động của Vietinbank và qua đó, ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng cũng như hoạt động của nền kinh tế.

Mẫu chốt giải quyết tranh chấp là phải xác định hợp đồng thuộc loại nào

 

Về bản chất, hợp đồng các bên đã ký kết là hợp đồng vay tài sản

Đại diện DIV

Trong vụ việc này, luật gốc áp dụng là Bộ luật Dân sự và theo bộ luật này thì về bản chất, hợp đồng các bên đã ký kết là hợp đồng vay tài sản, có số tiền, có thời hạn vay, có lãi suất. Tại hợp đồng này, các bên đã thỏa thuận việc trả trước hạn phải được sự chấp nhận bằng văn bản của DIV. Tuy nhiên, DIV không chấp nhận việc này.

Điều 478, Bộ luật Dân sự quy định về hợp đồng vay tài sản, bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn nếu không có thỏa thuận khác. Ở đây, hai bên không có thỏa thuận nào khác, vì thế, Vietinbank phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn cho DIV.

Bên cạnh đó, Vietinbank viện dẫn lý do thực hiện điều hành lãi suất của NHNN để kết thúc hợp đồng trước hạn, DIV cho rằng không hợp lý. Từ tháng 5/2008, NHNN sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để điều tiết lãi suất kinh doanh bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN quy định về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Từ đó đến thời điểm phát sinh tranh chấp, NHNN khi công bố lãi suất cơ bản trong từng thời kỳ đều nói rõ, vào thời điểm lãi suất mới có hiệu lực, không có quy định về việc lãi suất mới này phải áp dụng cho các hợp đồng đã ký kết trước đó.

Cùng thời điểm gửi tiền tại Vietinbank, DIV cũng gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác. Về cơ bản, các ngân hàng này đều thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Có ngân hàng đã trả tiền trước hạn là Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sau đó đã khắc phục. Vậy không có lý gì Vietinbank lại vin vào lý do điều hành lãi suất của NHNN để không thanh toán đầy đủ lãi suất đến hạn của hợp đồng.

 

Cần áp dụng Bộ luật Dân sự, bởi đây là một giao dịch dân sự

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư

Đầu tiên, phải khẳng định hợp đồng này không vô hiệu, bởi đây là hợp đồng dân sự ký kết trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận và không vi phạm điều cấm. Vấn đề là hợp đồng này thuộc loại hợp đồng nào và được điều chỉnh bởi luật nào?

Trước hết, hoạt động của ngân hàng cơ bản là đi vay và cho vay lại. Hoạt động đi vay của ngân hàng chia làm hai loại. Thứ nhất là đi vay hay huy động vốn, nhận tiền gửi của các cá nhân, tổ chức, được gọi là thị trường một. Thứ hai là vay của NHNN, các tổ chức tín dụng và một số định chế tài chính được SBV chấp thuận, đây là thị trường hai hay còn gọi là thị trường mở, thị trường liên ngân hàng. Dù là hoạt động trên thị trường một hay thị trường hai, các ngân hàng đều đi vay tài sản và như vậy, bản chất hợp đồng giữa DIV và Vietinbank là hợp đồng vay tài sản.

Hợp đồng này trước hết phải được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành. Tuy nhiên, mới chỉ có Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm trong đó đối tượng gửi tiền là các cá nhân. Chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh riêng đối với hoạt động nhận tiền gửi từ các tổ chức. Do vậy, chúng ta áp dụng luật chung là Bộ luật Dân sự, bởi đây là một giao dịch dân sự.

 

Bên vay phải trả lãi theo đúng quy định trong hợp đồng

Nguyễn Vĩnh Ban, Phó tổng giám đốc Công ty Luật DNAS

Nếu thỏa thuận trong hợp đồng này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật thì thỏa thuận cần được tôn trọng, tức là các bên cần tuân thủ các điều khoản của hợp đồng, nghĩa là bên vay phải trả lãi theo đúng quy định trong hợp đồng.

Ngoài ra, theo thông tin DIV cung cấp, sau khi tranh chấp xảy ra, một chi nhánh của Vietinbank vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng và trả toàn bộ lãi cho kỳ hạn. Vậy là Ngân hàng đã chấp nhận thỏa thuận đó.

Về việc điều chỉnh lãi suất của NHNN, quyết định điều chỉnh chỉ có giá trị kể từ ngày có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng đã thỏa thuận lãi suất thả nổi. Hơn nữa, nếu lãi suất không giảm mà vẫn tăng thì chắc chắn Ngân hàng sẽ không trả vốn trước, cũng không tăng lãi suất cho bên gửi tiền.

 

Ý kiến của Kiểm toán Nhà nước không phải là căn cứ pháp lý

Luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo tôi, mặc dù chủ thể ký kết và hình thức hợp đồng có thể khác, nhưng bản chất ở đây là Vietinbank đi huy động vốn, một nghiệp vụ chuyên ngành nên các bên, nhất là Vietinbank phải tuân theo Luật Các tổ chức tín dụng, tuân theo các quy định của NHNN trong từng thời kỳ, nhất là điều khoản về lãi suất huy động. Thậm chí, kể cả các bên có thỏa thuận dân sự thì cũng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố.

Phía DIV cho rằng đây là hợp đồng vay vốn dân sự, phải trả toàn bộ lãi của cả kỳ, nếu trả trước hạn. Nhưng theo tôi, Vietinbank (với tư cách là một tổ chức tín dụng) phải huy động theo quy định của NHNN, không có quy định nào của NHNN buộc họ phải trả lãi cả kỳ nếu trả trước hạn.

Ở đây, DIV có viện dẫn ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, nhưng tôi đồng tình với ý kiến của Vietinbank: “Kết quả kiểm toán này không thể là căn cứ pháp lý để buộc Vietinbank phải thực hiện việc trả tiền cho DIV. Đối với tranh chấp kinh tế, chỉ có Tòa án mới có quyền đưa ra phán quyết và Vietinbank sẽ tuân thủ các phán quyết của Tòa”.