Khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, TPHCM. Ảnh: Vietimes.

Khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, TPHCM. Ảnh: Vietimes.

Vụ cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến: Thu hồi đất vàng, nợ vay tính sao?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Từ ngày 10-11/12/2020, Tòa án Quân sự Trung ương mở phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa án xem xét đến biện pháp tư pháp. Bản án sơ thẩm tuyên thu hồi quyền sử dụng đất với 3 khu đất số 2,7-9, Tôn Đức Thắng, TPHCM. Tài sản này đã được đảm bảo cho 8 công ty vay tiền tại BIDV. Hiện nay còn 4 công ty vẫn còn dư nợ gốc.

Tại tòa phúc thẩm, BIDV cho rằng việc nhận thế chấp quyền khu đất 7-9 từ CTCP Yên Khánh Hà Thành là hợp pháp, ngay tình, được công chứng đúng pháp luật. Do đó, quyền lợi của ngân hàng cần được bảo vệ.

“Việc thu hồi quyền sử dụng đất sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khi tài sản được thế chấp hợp pháp nhưng vẫn bị vô hiệu”, đại diện BIDV nêu.

Theo BIDV, trường hợp thu hồi đất vì an ninh quốc phòng thì ngân hàng tôn trọng quyết định của tòa án và không tranh luận thêm.

BIDV cho rằng, theo kết luận điều tra, cáo trạng, xét hỏi, tranh luận thể hiện bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan có hành vi gian dối. Hiện nay dư nợ gốc của CTCP Yên Khánh là 332 tỷ đồng, quá hạn từ năm 2018. Khoản vay của CTCP Xăng dầu Thái Sơn là 304 tỷ đồng, quá hạn từ ngày 31/10/2019 do công ty mất khả năng thanh toán…

“Trường hợp quyền sử dụng đất bị thu hồi thì BIDV bị mất tài sản đảm bảo. Thiệt hại của ngân hàng bị xâm hại nghiêm trọng và BIDV là bên bị thiệt hại cuối cùng”, BIDV nêu.

Tại tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ và luật sư có ý kiến cần giữ nguyên hiện trạng tài sản công ty, BIDV khẳng định, việc xác lập hợp đồng với pháp nhân, không phải cá nhân bị cáo Hệ. Các tài sản đứng tên pháp nhân. Do đó, BIDV đề nghị buộc các bị cáo, các bên vay, các bên có liên quan, các pháp nhân do người thân bị cáo Hệ đứng tên phải chịu trách nhiệm với BIDV. Đồng thời để BIDV xử lý tài sản trong vụ án này, không tách thành vụ án dân sự khác.

Tòa phúc thẩm xác định, nguồn gốc khu đất 7-9 là đất quốc phòng đã bị các bị cáo Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga và Đoàn Mạnh Thảo cho thuê trái pháp luật. Các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Vũ Thị Hoan, Phạm Văn Diệt chiếm đoạt quyền sử dụng đất. Theo khoản 2, điều 47 BLHS 2015 buộc Công ty Yên Khánh Hải Thành trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là có căn cứ. Do hợp đồng thế chấp trái pháp luật nên không áp dụng khoản 3, Điều 133 BLDS 2015 để trả lại GCNQSDĐ cho BIDV.

Vì vậy, tòa không chấp nhận đơn kháng cáo của BIDV. Tuy nhiên, vì GCNQSDĐ được thu hồi nên các bên có thể tự thỏa thuận để thay thế tài sản đảm bảo. Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận này để đảm bảo quyền lợi của các bên trong đó có tài sản nhà nước tại BIDV.

Theo đó, căn cứ vào biên bản ngày 28/9/2020, ngày 20/11/2020 và sự thống nhất tại tòa, cụ thể:

Công ty Yên Khánh thế chấp bổ sung 2,198 triệu cổ phần, lợi tức thuộc quyền sở hữu doanh nghiệp tại CTCP Tân Cảng Hiệp Phước; 271.000 cổ phần tại CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng Tân Cảng cho BIDV phát mại theo thỏa thuận.

Ghi nhận sự thỏa thuận ngày 26/11/2020 giữa BIDV, Công ty Yên Khánh và SHB về việc xử lý 12,6 triệu cổ phần tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Cienco1 đứng tên Công ty Yên Khánh và 11,7 triệu cổ phần đứng tên CTCP Cái Mép đang thế chấp tại SHB. Giao BIDV phối hợp xử lý.

Ghi nhận sự thỏa thuận ngày 26/11/2020 giữa BIDV, Công ty Yên Khánh và Công ty TNHH Quốc Vương về việc xử lý 7,4 triệu cổ phần tại Cienco1 đứng tên Công ty Yên Khánh hiện đang đảm bảo khoản vay tại CTCP Đầu tư kinh doanh thương mại Thuận An. BIDV phối hợp với Công ty Quốc Vương xử lý tài sản.

Ghi nhận thỏa thuận ngày 8/12/2020 giữa BIDV, Công ty TNHH Quốc Vương xử lý 17 triệu cổ phần tại Cienco 1 đứng tên Công ty An Việt để trả nợ vay cho các công ty được đảm bảo bằng GCNQSĐ số 7-9 tại BIDV. Xử lý phần vốn góp 123 tỷ đồng đứng tên Công ty Yên Khánh tại Công ty BOT và BOT quốc lộ 20.

Công ty Yên Khánh cũng bổ sung thêm tài sản đảm bảo là một số GCNQSDĐ tại Ninh Bình, TPHCM.

Với các tài sản mang tên cá nhân Vũ Thị Hoan gồm 270.000 cổ phần tại CTCP Bia Sài Gòn Miền Tây hiện đang đảm bảo nghĩa vụ của Công ty Yên Khánh tại Công ty Thuận An, 300.000 cổ phần tại CTCP Bia Sài Gòn Miền Tây và 300.000 cổ phần tại CTCP Bia Sài Gòn Ninh Thuận. Tại tòa làm rõ các tài sản này của Hệ nhờ Hoan đứng tên nên cần kê biên số cổ phần trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ của Công ty Yên Khánh tại BIDV.

Ghi nhận việc xử lý tài sản của các Công ty Đức bình, Công ty Thái Sơn, Công ty Cái Mép…

Để thực hiện các thỏa thuận trên, tòa án quyết định bãi bỏ một số công văn kê biên của cơ quan điều tra. Kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng cho giao dịch nhà đất.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo Hệ, Hoan, Diệt đã gian dối hồ sơ để Công ty Hải Thành (thuộc Quân chủng Hải quân) tin tưởng liên danh tại khu đất số 7-9, thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành. Sau khi Công ty Hải Thành được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hệ chỉ đạo Diệt làm thủ tục để Công ty Yên Khánh nhận và quản lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp tục chuyển đổi sang Công ty Yên Khánh Hải Thành và đem thế chấp tại BIDV.

Tin bài liên quan