Tăng lực cho ngân hàng hay tăng tiền cho ngân sách?
Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, rất nhiều ngân hàng lớn nhỏ đã lựa chọn phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, trong đó có VietinBank, BIDV. Lý do các ngân hàng đưa ra là, để tuân thủ Hiệp ước vốn Basel II, họ phải khẩn trương tăng vốn nhằm đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR).
Đề xuất của VietinBank và BIDV đã được NHNN nhất trí. Tuy nhiên, trong công văn gửi Thống đốc NHNN mới đây, Bộ Tài chính lại đề nghị NHNN chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại hai ngân hàng trên chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp số cổ tức được chia vào ngân sách nhà nước.
Đề nghị của Bộ Tài chính là dễ hiểu, bởi ngân sách đang ngày càng eo hẹp. Trong khi đó, lập luận của NHNN cũng “có lý” không kém, khi cho rằng, việc cho các ngân hàng trên trả cổ tức bằng cổ phiếu là vì sự phát triển bền vững.
Cả VietinBank và BIDV đều là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, vậy câu hỏi đặt ra là ai có quyền “quyết” chia cổ tức của các ngân hàng trên, cũng như phương án chia cổ tức nào là có lợi nhất?
Hiện chưa có một cơ quan “siêu bộ” nào làm đầu mối chung để quản lý vốn nhà nước, vì vậy, công tác quản lý vốn nhà nước tại các DNNN vẫn trên tinh thần các bộ phối hợp với nhau và chuyện bất đồng ý kiến xảy không phải hiếm.
Còn theo Luật Doanh nghiệp, đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, quyền định đoạt cao nhất thuộc về đại hội đồng cổ đông. Hiện đại hội đồng cổ đông của hai ngân hàng này đã thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, vậy nếu Thủ tướng có ý kiến đồng ý với Bộ Tài chính, thì hai ngân hàng này sẽ phải xin ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Câu hỏi còn lại là, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay trả bằng cổ tức tiền mặt sẽ có lợi hơn cho Nhà nước? Nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ có lợi cho Nhà nước, vì thu ngân sách sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu không tăng vốn, lợi nhuận của các nhà băng sẽ đi xuống và có thể đẩy các ngân hàng vào tình thế rủi ro.
Ngân hàng có lợi thế “mặc cả”
Dù bị Bộ Tài chính đòi trả cổ tức tiền mặt, song lãnh đạo VietinBank cho hay, ngân hàng này đã gửi đề nghị giữ lại lợi nhuận để tăng vốn như phương án đã được thông qua. Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, VietinBank chắc chắn phải tăng vốn. Để làm được điều này chỉ có hai cách: chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc Nhà nước thoái bớt vốn sở hữu tại VietinBank.
Trước đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cũng đề xuất, để tăng vốn đảm bảo hệ số CAR, Chính phủ và các bộ, ngành cần nhất quán trong chính sách cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước để lại cổ tức, thặng dư cho chuyển nhượng phần sở hữu của Nhà nước, thặng dư từ các khoản thoái vốn đầu tư làm nguồn tăng vốn cho ngân hàng.
Ngoài đề xuất không chia cổ tức tiền mặt, lãnh đạo BIDV còn kiến nghị đẩy mạnh cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại sở hữu nhà nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong “cuộc chiến” cổ tức này, BIDV và VietinBank đang có lợi thế mặc cả, bởi nếu hai ngân hàng này trả cổ tức tiền mặt, thì Nhà nước phải chọn giải pháp thoái thêm vốn. Điều này có vẻ như Nhà nước chưa thực sẵn sàng.
Nhà nước “ôm” quá nhiều vốn ngân hàng
Câu chuyện của bộ ba (NHNN - Bộ tài chính - BIDV và VietinBank) cho thấy, những vướng mắc trong công tác quản lý vốn nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành. Đặc biệt, nếu quyết định đưa ra chỉ căn cứ vào lợi ích trước mắt thì có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển dài hạn, thậm chí đến cả sự an toàn doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với những lĩnh vực không quá nhạy cảm, không ảnh hưởng nhiều đến an ninh - quốc phòng, Nhà nước cần đẩy mạnh thoái vốn và tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp.
Hiện NHNN là cổ đông “khủng” nhất trong hệ thống ngân hàng, khi sở hữu 100% vốn tại 4 ngân hàng thương mại và sở hữu vốn chi phối tại 3 ngân hàng TMCP lớn là VietinBank (64%), Vietcombank (77%) và BIDV (95%).
PGS-TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc NHNN nắm tỷ lệ sở hữu quá lớn tại các ngân hàng thương mại quốc doanh là không cần thiết và nên thoái bớt vốn.
Đồng ý với kiến nghị trên, TS. Cấn Văn Lực nhận xét, các ngân hàng đang còn nhiều khó khăn về vốn, nên giảm sở hữu nhà nước là giải pháp để giải quyết vấn đề này. “Việc này sẽ tạo room nhiều hơn cho các định chế tài chính nước ngoài tham gia vào quản trị, đồng thời giúp các ngân hàng tăng vốn điều lệ để đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel”, TS. Lực nói.