Các bị cáo tại phiên tòa mới đây.

Các bị cáo tại phiên tòa mới đây.

Vụ chứng khoán Tràng An: EVN-FINANCE bất ngờ chỉ khởi kiện dân sự

(ĐTCK) Do EVN-Finance yêu cầu khởi kiện đòi số tiền 15 tỷ đồng trong vụ án dân sự khác, nên ông Lê Hồ Khôi còn bị truy tố với số tiền chiếm đoạt 47,5 tỷ đồng.

Loay hoay xác định tội danh

Vụ án xảy ra tại CTCP Chứng khoán Tràng An (TAS) xảy ra từ năm 2012. Gần 6 năm nay, hồ sơ vụ án bị trả lại nhiều lần với lý do xác định tội danh là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay Sử dụng trái phép tài sản.

Cáo trạng cũ truy tố các bị cáo về hành vi chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 205 tỷ đồng của 3 đơn vị là EVN-Finance, Habubank và BIDV. Các bị cáo đã khắc phục 131 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 73 tỷ đồng. Năm 2018, bị can Nguyễn Thị Ngọc Lan (nguyên Trưởng phòng kế toán TAS) đã chết vì bệnh lý nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra bị can.

Theo cáo trạng mới ngày 3/7/2018, VKNSND truy tố 4 bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Lê Hồ Khôi (nguyên Tổng giám đốc), Trịnh Văn Toàn (Phó tổng giám đốc), Nguyễn Trí Dũng – Phó giám đốc phòng Môi giới – giao dịch và Lê Quang Hưng – cán bộ phòng kế toán.

Cáo trạng thể hiện, năm 2012, Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội (Habubank, nay đã sáp nhập) tố cáo TAS chiếm đoạt 22 tỷ đồng thông qua hình thức ủy thác đầu tư để vay vốn.

Quá trình điều tra thể hiện, năm 2010, do thiếu vốn, Lê Hồ Khôi đã bàn bạc với Trịnh Văn Toàn và các nhân viên Nguyễn Trí Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Lê Quang Hưng lập khống hồ sơ của 13 khách hàng để vay tiền dưới hình thức ủy thác đầu tư.

Cụ thể, tháng 10/2010, TAS ký hợp đồng hợp tác với Habubank. Theo đó, TAS giới thiệu khách hàng có nhu cầu ủy thác vốn đầu tư của Habubank theo hình thức cầm cố chứng khoán niêm yết.

Theo chỉ đạo của cấp trên, Lan và Hưng tìm kiếm khách hàng, giả chữ ký khách hàng để hợp thức hồ sơ. Lan tự tạo khống mã và số lượng chứng khoán cho phù hợp với khoản vay. Khi đã hoàn tất hồ sơ, Lan chuyển cho Trịnh Văn Toàn ký xác nhận vào hợp đồng cầm cố rồi chuyển sang ngân hàng vay tiền. Habubank đã duyệt, giải ngân số tiền 56 tỷ đồng.

Do thị trường chứng khoán giảm mạnh, toàn bộ giá trị chứng khoán trên không đủ đảm bảo khoản tiền nhận ủy thác. Ngân hàng yêu cầu TAS thông báo với khách hàng trả lại một phần tiền hoặc cầm cố thêm chứng khoán. Vì không có tiền trả, các bị cáo tiếp tục giả chữ ký của 19 khách hàng để thế chấp bổ sung.

Để khắc phục hậu quả, năm 2012, TAS đã thanh toán cho Habubank số tiền 45,5 tỷ đồng và trả thêm 1,9 tỷ đồng. Hiện nay, TAS còn nợ số tiền 19,8 tỷ đồng.

Cùng cách thức trên, năm 2011, các bị cáo lập khống 9 hồ sơ của khách hàng để vay tiền của BIDV nhằm chiếm đoạt số tiền 47,6 tỷ đồng. Hiện TAS đã khắc phục được số tiền 17,3 tỷ đồng.

Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của 2 ngân hàng là 47,5 tỷ đồng.

Bất ngờ EVN-Finance yêu cầu khởi kiện dân sự

Hồ sơ cũ thể hiện, năm 2010, Lê Hồ Khôi đã lập khống hồ sơ vay tiền dưới hình thức mua chứng khoán đã khớp lệnh để chiếm đoạt số tiền 104,5 tỷ đồng của Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN-Finance).

Năm 2010-2011, TAS đã thế chấp tài sản, chuyển nhượng cổ phiếu hoàn trả số tiền hơn 89 tỷ đồng, còn 15 tỷ đồng.

Theo cáo trạng mới, để khắc phục hậu quả, năm 2011, Lê Hồ Khôi – đại diện TAS ký hợp đồng cầm cố tài sản 1,5 triệu cổ phần CTCP Fortika Trung Yên (mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương 15 tỷ đồng) cho EVN-Finance.

Cùng thời điểm trên, ông Khôi còn tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng 450.000 cổ phần/1,5 triệu cổ phần trên (cho CTCP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam để đảm bảo khoản vay 4,5 tỷ đồng. Đến nay, TAS đã trả 930 triệu đồng, còn nợ hơn 3 tỷ đồng.

Cả hai giao dịch này đều chưa hoàn tất thì năm 2012, ông Khôi lại ký hợp đồng vay vốn với bà Nguyễn Thị Tuệ (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) vay số tiền 12 tỷ đồng, lãi suất 2%/tháng.

Hợp đồng quy định, nếu TAS phát hành cổ phiếu riêng lẻ thì chuyển nhượng cho bà Tuệ, nếu không thực hiện thì TAS phải chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại Fortika với giá 15 tỷ đồng.

Do TAS không phát hành cổ phiếu riêng lẻ nên ông Khôi ký hợp đồng chuyển nhượng 1,5 triệu cổ phần Fortika cho bà Tuệ. Hiện Fortika đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cổ phần cho bà Tuệ.

Mặt khác, do không nhận được số cổ phiếu như cam kết, CTCP dịch vụ đường cao tốc Việt Nam yêu cầu ông Khôi phải hoàn trả lại số tiền 3 tỷ đồng.

Phía EVN-Finance cho biết sẽ yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự khác để đòi số tiền 15 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, hiện tại, bà Tuệ đã được công nhận là cổ đông của Fortika – Trung Yên nên việc cơ quan điều tra kết luận Lê Hồ Khôi gian dối chiếm đoạt số tiền 16 tỷ đồng của Công ty dịch vụ đường cao tốc Việt Nam và bà Tuệ là không có căn cứ.   

Được biết, ngày 25/12, TAND TP Hà Nội đã đưa các bị cáo ra xét xử. Song do vắng mặt một số người liên quan nên phiên tòa đã bị tạm hoãn đến ngày 7/1/2018.

Báo Đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin vụ án đến bạn đọc.

Tin bài liên quan