Vụ Chứng khoán An Thành bị chiếm đoạt 4,2 tỷ đồng: Quyết định hủy án sơ thẩm lần 2

Vụ Chứng khoán An Thành bị chiếm đoạt 4,2 tỷ đồng: Quyết định hủy án sơ thẩm lần 2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 31/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy án sơ thẩm lần 2 vụ án Phạm Thị Mai Vân (SN 1982, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cựu Kế toán trưởng Công ty Chứng khoán An Thành - viết tắt là ATSC - nay là CTCP Chứng khoán Phú Hưng).

Quyết định hủy án nhằm làm rõ các tình tiết như việc hạch toán sau ngày giao dịch có phải là hành vi gian dối hay chỉ là hợp thức cho vay…

Trước đó, trong 2 ngày 30 - 31/12, phiên tòa phúc thẩm được mở để xem xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Vân với mức án 7 năm tù của tòa sơ thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (năm 2019).

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo thành hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Vụ án này đã được đưa ra xét xử từ năm 2015 nhưng năm 2017 bị hủy án, điều tra lại. Trong 3 phiên tòa trước đây, luật sư bào chữa cho bị cáo đã yêu cầu triệu tập ông Phạm Ngọc Phú - nguyên Tổng giám đốc ATSC nhưng bất thành.

Đến phiên tòa phúc thẩm lần này, ông Phú mới có mặt. Tòa phúc thẩm đã dành 1,5 ngày để thẩm vấn bị cáo và những người liên quan nhằm làm rõ bản chất vụ việc.

Bản án sơ thẩm thể hiện, ATSC có vốn điều lệ 41 tỷ đồng. ATSC mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại ngân hàng và quản lý tiền của khách hàng theo tài khoản của Công ty tại ngân hàng. Khách hàng muốn giao dịch chứng khoán phải nộp tiền vào tài khoản cá nhân hoặc tài khoản Công ty.

Công ty chỉ nhận lệnh giao dịch nếu khách hàng có đủ tiền hoặc cổ phiếu. Khi phải thanh toán T+3, ngân hàng sẽ cắt số tiền phải thanh toán cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), sau đó Công ty sẽ hạch toán đến tài khoản của khách hàng.

Phạm Thị Mai Vân đã mượn 9 tài khoản do Lê Thu Trang - Phó giám đốc khối môi giới ATSC quản lý; tài khoản do Hà Hồng Hải - Giám đốc khối môi giới ATSC chăm sóc, quản lý và tài khoản Đoàn Thị Thanh Hằng - thủ quỹ ATSC.

Từ ngày 1/10/2009 đến ngày 15/12/2010, Vân đã chiếm đoạt số tiền 4,2 tỷ đồng của ATSC. Khi Vân sinh con và bàn giao công việc, Công ty mới phát hiện hành vi sai phạm của Vân. Tính đến nay, bị cáo đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt cho Công ty.

Vân bị cáo buộc mượn 9 tài khoản để hạch toán khống việc nộp tiền mặt vào Công ty và tạo bút toán giả hạch toán khống tiền nộp vào ngân hàng.

Tại tòa, bị cáo thừa nhận mượn 9 tài khoản. Khi mua chứng khoán thì tài khoản không có tiền. Bị cáo lấy ví dụ giao dịch ngày 14/4/2009 tại tài khoản Nguyễn Thu Vân nhưng đến ngày 25/5/2009 tiền mới chuyển vào tài khoản.

Bị cáo khai nhận bản chất là tiền công ty cho vay chơi chứng khoán. Ông Phạm Ngọc Phú là người quyết định cho vay dựa trên đề xuất của phòng quản lý rủi ro và môi giới.

"Công ty cho phép mua bán khống chứng khoán, vậy có quy định hay nghị quyết không?", tòa truy vấn bị cáo.

Bị cáo Vân khai nhận không có văn bản chính thức nhưng biết có cuộc họp bàn nội bộ Công ty.

Còn về việc lập khống chữ ký của thủ quỹ để nộp tiền vào Công ty, bị cáo cho rằng làm theo chỉ đạo của ông Phú nhằm hợp thức hóa các khoản thiếu hụt để phục vụ việc quyết toán cuối năm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Vân cho rằng, Công ty có mô hình hoạt động chặt chẽ và toàn bộ hoạt động do ông Phú chỉ đạo. Cáo buộc truy tố bị cáo tạo bút toán giả để hạch toán khống tiền nộp vào ngân hàng thì phải được thực hiện trước khi giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên bị cáo khai nhận thực hiện hành vi trên sau khi giao dịch. Điều này chứng minh việc công ty cho bị cáo vay tiền mua chứng khoán là có thật.

Theo luật sư, tháng 4/2012 ông Phú có đơn tố cáo Vân nhưng đến tháng 9/2012 lại vẫn ngồi chốt nợ với bị cáo.

Luật sư cũng cho rằng, theo quy định thì Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng mới được tự doanh chứng khoán. Công ty đã mượn các tài khoản cá nhân để mua bán chứng khoán. Hoạt động của Công ty là chưa đúng pháp luật.

Tranh luận tại tòa, ông Phú cho rằng, nếu công ty cho vay tiền thì phải tuân theo quy định như quy trình kiểm soát. Tuy nhiên có nhiều tài khoản không ký hợp đồng. Có tài khoản chuyển tiền trước, có tài khoản chuyển tiền sau là điều bất thường.

“Nếu công ty cho vay thì ngày giao dịch và ngày nhận nợ phải trùng nhau”. Song ông Phú cũng thừa nhận phần mềm hệ thống hỏng nên một số tài khoản không có tiền vẫn mua được chứng khoán.

“Ban kiểm soát có sai sót nên trong thời gian dài không phát hiện ra. Công ty chỉ phát hiện khi thay kế toán. Vì sao không phát hiện sớm? Nếu phát hiện sớm thì vụ việc đã được ngăn chặn. Chúng tôi thừa nhận quản lý non kém nên không phát hiện sớm hành vi của Vân”, ông Phú trình bày.

Còn theo luật sư bảo vệ quyền lợi của công ty thì nội dung biên bản xác nhận nợ tháng 8/2012 ghi rõ “việc nộp khống lấy tiền công ty”.

Công ty chứng khoán Phú Hưng cho biết không muốn kéo dài vụ án và mong muốn giảm án cho bị cáo.

Tin bài liên quan