Lễ ký kết chi trả bảo hiểm

Lễ ký kết chi trả bảo hiểm

Vụ cháy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Bồi thường trên 138 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngày 5/11/2020, tại Hà Nội, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) đã thực hiện đợt chi trả bồi thường cuối cùng (đợt 3) vụ tổn thất cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông với tổng số tiền chi trả các đợt là trên 138 tỷ đồng.

Khoảng 18h ngày 28/8/2019, một vụ cháy đã xảy ra trong khuôn viên phía Nam khu vực kho chứa hàng hóa, nhà xưởng thuộc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông với tổng diện tích kho, xưởng xảy ra cháy là khoảng 6.000 m2.

Các kho, xưởng bị cháy là kho compact, bóng đèn huỳnh quang, phích, đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác. Trước đó, ngày 14/01/2019, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã tham gia bảo hiểm Cháy và các Rủi ro đặc biệt tại Bảo hiểm PVI với số tiền bảo hiểm là 450 tỷ đồng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo và cán bộ giải quyết khiếu nại của Bảo hiểm PVI đã chỉ định Giám định viên và chủ động, tích cực phối hợp với Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, các cơ quan chức năng đánh giá tổn thất nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ cháy.

Sau quá trình giám định kiểm đếm hàng hóa thiệt hại của Giám định viên, dọn dẹp hiện trường, xử lý môi trường của quân đội và cung cấp hồ sơ chứng minh thiệt hại ban đầu, chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn, Bảo hiểm PVI đã nhanh chóng thực hiện 2 lần tạm ứng bồi thường cho Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vào ngày 30/12/2019 và ngày 2/6/2020, mỗi lần số tiền tạm ứng là 50 tỷ đồng để giúp Công ty bước đầu giải quyết khó khăn, khắc phục tổn thất. Ngày 05/11/2020, Bảo hiểm PVI đã thực hiện chi trả đợt cuối cùng số tiền bảo hiểm với trị giá hơn 38 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chia sẻ: Lịch sử hơn 60 năm phát triển, Công ty chưa bao giờ gặp sự cố như vụ cháy ngày 28/8/2019 vừa qua. Qua quá trình Bảo hiểm PVI xử lý vụ việc kịp thời, Công ty càng khẳng định việc lựa chọn Bảo hiểm PVI là đúng đắn. Việc bồi thường nhanh giúp Công ty có dòng tiền khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất.

Tin bài liên quan