Cho đến nay, mặc dù công ty giám định đã ra báo cáo cuối cùng, VASS có công văn xác nhận số tiền bồi thường bảo hiểm, nhưng câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết khi Vĩnh Phát tiếp tục có công văn khiếu nại lên Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.
Bất đồng
Sở dĩ việc bồi thường đến nay chưa được thực hiện, mặc dù vụ cháy đã xảy ra từ lâu, do có một số điểm trong hợp đồng không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau như khái niệm nhà xưởng, thành phẩm. Theo Vĩnh Phát, hạng mục nhà xưởng được dựa vào thực trạng nhà xưởng và hợp đồng xây dựng công trình nhà xưởng để mua bảo hiểm. Hạng mục thành phẩm được dựa vào quy trình sản xuất và phương thức sản xuất của đơn vị, theo đó hàng hóa bị tổn thất thuộc khu vực nhà xưởng bị tổn thất được trang bị hệ thống máy móc với hoạt động chính là phun sơn hàng hóa.
Vĩnh Phát xác định, hàng hóa sau phun sơn được xem là thành phẩm và DN thực hiện việc quản lý ghi nhận hàng thành phẩm ngay khi các định mức tổng hợp nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất các hàng hóa được thiết lập. Tại thời điểm bán bảo hiểm cho Vĩnh Phát, VASS không có ý kiến gì về các hạng mục này và cũng đã không thực hiện trách nhiệm hướng dẫn DN trong việc khai báo làm rõ các định nghĩa của các hạng mục.
Liên quan đến việc VASS cho rằng một số hàng đã được xuất hóa đơn và đương nhiên không còn trong kho nên không bị tổn thất, không được bồi thường, Vĩnh Phát giải thích: Trong số hàng hóa bị tổn thất có một lô hàng đã có kế hoạch xuất, nhưng do container chưa đến kịp, hàng vẫn còn nằm tại kho, trên hồ sơ thẻ kho có ghi nhận việc lô hàng này chưa được xuất ra khỏi kho. Việc Vĩnh Phát xuất hóa đơn cho lô hàng này trước khi vụ cháy xảy ra 1 ngày thể hiện hàng hóa đã hoàn thành và gửi cho khách hàng, tuy nhiên khách hàng đã không thanh toán do chưa nhận được hàng.
Trong quá trình giải quyết những bất đồng, Vĩnh Phát cho rằng, VASS phải thực hiện tạm ứng bồi thường số tiền là 3,5 tỷ đồng (do Công ty giám định Crawford đề xuất), thay vì 2 tỷ đồng. Ngoài kinh phí Vĩnh Phát phải xây dựng lại nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị theo giá trị thực tế hiện tại để nhanh chóng phục hồi sản xuất, hiện DN này đang gánh chịu tổn thất do bị gián đoạn kinh doanh kéo dài, do hậu quả của công tác bồi thường trì trệ.
Giám định nói gì?
Liên quan đến giám định bồi thường bảo hiểm, ông Nguyễn Ngọc Vinh, chuyên gia của Công ty giám định Crawford, một trong những người trực tiếp tham gia giám định vụ bồi thường nêu trên cho biết, vào ngày 3/8/2011, Crawford đã có Báo cáo giám định cuối cùng. Theo ông Vinh, trong hợp đồng bảo hiểm không quy định rõ nên bên được bảo hiểm và bên bán bảo hiểm có những quan điểm khác nhau về việc xác định các hạng mục nhà xưởng nào được bảo hiểm, các hạng mục nào không được bảo hiểm, cũng như làm rõ khái niệm bán thành phẩm, thành phẩm… Do đó, Crawford không thể đưa cách tính toán/điều chỉnh duy nhất đối với tổn thất này.
Vẫn theo ông Vinh, do không được tham gia vào quá trình mua bán bảo hiểm trước đây nên Crawford không thể xác định các mục nào được bảo hiểm và hạng mục nào không được bảo hiểm theo đơn. Việc làm rõ trách nhiệm đơn bảo hiểm là vấn đề giữa VASS và Vĩnh Phát. Do đó, Crawford đã đưa ra hai phương án bồi thường dựa trên các quan điểm khác nhau của bên được bảo hiểm và công ty bảo hiểm. Theo quan điểm của VASS thì số tiền bồi thường bảo hiểm là hơn 8,2 tỷ đồng, còn theo tính toán của Vĩnh Phát thì số tiền là trên 9,96 tỷ đồng.
Ông Vinh cho rằng, việc đưa ra hai cách tính trong các bản giám định bồi thường bảo hiểm là điều bình thường. Trách nhiệm của công ty giám định là đưa ra quan điểm khách quan, độc lập để bên được bồi thường và bên bồi thường bảo hiểm xem xét thống nhất mức bồi thường.
Ngày 31/8/2011, VASS đã ra thông báo bồi thường chính thức, theo đó chỉ chấp nhận bồi thường theo quan điểm của VASS (8,2 tỷ đồng), đồng thời kèm theo điều kiện thanh toán: chỉ khi Vĩnh Phát chấp nhận số tiền bồi thường trên và xác nhận vào thông báo này VASS mới tiến hành thủ tục chi trả theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Phát cho biết, Công ty đã gửi công văn khiếu nại lên Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Vĩnh Phát kiến nghị, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cần nhanh chóng can thiệp, có các biện pháp cụ thể cần thiết, buộc VASS phải có trách nhiệm thanh toán ngay cho Vĩnh Phát số tiền mà VASS đã chấp thuận thanh toán trong thông báo bồi thường, mà không phải có điều kiện nào kèm theo. |