Trước đó, Tòa chuyển sang thẩm vấn các bị cáo về hành vi Cố ý làm trái trong mua bán cổ phiếu ACB. HĐXX yêu cầu cách ly các bị cáo để thẩm vấn Lê Vũ Kỳ trước.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ khai: 9/2009 được ACB giao làm Chủ tịch HĐTV của CTCK ACBS. ACBS là công ty 100% vốn ACB, HĐTV đều do ACB bổ nhiệm.
Hoạt động của CTCK phải tuân thủ theo Nghị định 27 và ACBS là CTCK được thực hiện các nghiệp vụ môi giới, tư vấn, tự doanh, bảo lãnh… HĐTV nhìn chung là cấp dưới của ACB.
Theo quy định thì ACBS không được mua CP của ACB, mua là sai
Ngày 2/11/2009, tôi có tham gia họp thường trực HĐQT, bàn nội dung đầu tư CP trên thị trường chứng khoán. Khi đó, thường trực HĐQT cho là giá đã xuống tương đối thấp, thích hợp mua vào để sinh lời, sau đó có bàn lựa chọn một số CP tốt, thanh khoản cao. Khi bàn có nhắc đến CP ACB, đáng để đầu tư. Khi quyết định thì không có quyết định đầu tư CP nào.
HĐQT giao ủy quyền cho ông Kiên trực tiếp đầu tư CP. Ông Kiên, sau đó chỉ đạo triển khai tại ACBS, vì đây là công ty con của ACB. Cụ thể tôi không biết vì ông Kiên chỉ đạo và ông Kiên không bàn với tôi. Tôi chỉ biết Tổng giám đốc ACBS gửi cho tôi và tôi ký Nghị quyết của Hội đồng đầu tư của ACBS, cùng với ông Trung, ông Toàn đề nghị Hội đồng đầu tư cho phép hợp tác giữa ACBS và ACI Hà Nội, ACI để hợp tác đầu tư. Nghị quyết không nêu đầu tư CP nào.
Hạn mức 700 tỷ đồng là cấp cho hoạt động đầu tư, trường hợp này là cho ACBS.
Để đảm bảo tính an toàn, chúng tôi đề xuất ACB phê chuẩn đối tác kinh doanh, vì đây là khoản đầu tư lớn. Tôi chỉ ký văn bản đề xuất rồi không tham gia gì thêm.
Hợp đồng hợp tác thì do Tổng giám đốc ký, tôi không biết gì về những hoạt động mua bán, thanh toán cụ thể. Kiểm toán chỉ báo với anh Chung, Tổng giám đốc ACBS.
Tôi nhận thức là mua trực tiếp thì là sai, mua qua ACI thì pháp chế giải thích là không sai, vì ACBS không sở hữu CP ACB, mà chỉ được hưởng quyền lợi, lỗ lãi từ khoản đầu tư này.
Theo tôi hiểu, việc liên doanh với ACI để mua CP ACB thì ACI là đơn vị trực tiếp sở hữu và thực hiện mọi quyền của chủ sở hữu CP, ACBS chỉ sở hữu quyền lợi, lãi lỗ từ việc hợp tác đó thôi. Nên việc hợp tác là không sai.
Khi kiểm toán vào thì tôi có hỏi lại anh em, thì được giải thích là việc hợp tác là không sai nếu cả 2 bên đều góp vốn, nhưng phía ACI lại không góp vốn, thì có thể bị hiểu ACBS đầu tư CP ACB, nên tốt nhất là tất toán cái này. Khi đó còn có 3 ngày là phải công bố báo cáo kiểm toán.
Ông Nguyễn Ngọc Chung, nguyên là Tổng giám đốc ACBS khai: khoảng tháng 11/2009, tại cuộc họp giao ban, anh Kiên trực tiếp chỉ đạo triển khai hợp tác đầu tư ACI, ACI Hà Nội để tiến hành mua CP, trong đó có CP ACB.
Tôi là người ký hợp đồng đầu tư, theo nhận thức của tôi, ký hợp đồng này là để đầu tư CP, ngoài CP ACB còn đầu tư CP khác. ACBS không trực tiếp mua được CP của ACB, mà hợp tác để ACI mua CP.
Ông Chung xác nhận lời khai có báo cáo là ACBS không mua CP ACB được vì có quy định cấm. Ông Kiên nói: “Đây là lệnh phải làm, khi đứng mua thì ACI chứ ACBS không đứng tên, cứ làm đi”. Tháng 6/2000, Kiểm toán PWC phát hiện mua như vậy là trái luật nên có ý kiến.
Việc mua thời khá dài, đặt lệnh nhiều lần, anh Kỳ không trực tiếp chỉ đạo hàng ngày. Về việc phát hành trái phiếu thì anh Kiên chỉ đạo phát hành để tăng vốn lấy nguồn tài chính hoạt động.
Theo quy định, CTCK phải kiểm toán 6 tháng/lần, nên có việc kiểm toán vào tháng 6/2010. Khi kiểm toán kiến nghị hoàn tiền lại cho ACBS các khoản đã dùng để mua CP ACB thì theo tôi biết, 2 công ty kia phát hành trái phiếu để lấy tiền trả lại.
Bị cáo Trịnh Kim Quang khai: Cuộc họp này tôi có tham gia, nội dung có bàn việc đầu tư, khi đó CK đang rất tốt để đầu tư. Tôi không nhớ kỹ, nhưng có bàn về việc mua CP ACB làm CP quỹ. Sau đó HĐQT có Nghị quyết đồng ý đầu tư và giao cho ông Kiên, vì ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB. Nhưng không có chỉ đạo đầu tư CP ACB.
Giá CP liên tục thay đổi nên cần có một cá nhân quyết định, có mua hay không và mua giá bao nhiêu. Nếu chờ tập thể bàn bạc ra quyết định thì giá đã thay đổi.
Hạn mức 700 tỷ đồng là để đầu tư cho một số CP, nhưng cụ thể CP là do ông Kiên quyết định.
Lời khai tại cơ quan điều tra của bị cáo Lê Vũ Kỳ thừa nhận, thực chất các khoản đầu tư này là do sức ép giá CP. Lý do thường trực giao anh kiên là đảm bảo bí mật kinh doanh, nếu ACB hay ACBS đặt lệnh thì cả thị trường đều biết, như vậy là không đạt được mục đích kinh doanh. Kể cả mua các loại CP khác cũng vậy, vì ACBS 1 trong 3 cty CK lớn nhất, đều là đơn vị lớn, mỗi động thái đều được thị trường theo dõi.
Bị cáo Phạm Trung Cang thừa nhận có việc họp HĐQT và thống nhất chủ trương một số loại CP, nhưng không chỉ rõ cụ thể là mua CP ACB. Bị cáo Cang thừa nhận, nếu ACBS tự mua CP ACB là không đúng luật. Nếu ACBS muốn mua thì phải công bố thông tin và xin phép UBCK xem xét rất lâu, nên để bí mật kinh doanh thì phải thông qua ACI mua.
Việc ACBS thông qua ACI mua CP thì tôi không biết quan hệ giữa hai công ty là là như thế nào và không biết việc đó là đúng hay sai.
Nếu ACI đứng tên mua CP ACB thì đứng về mặt pháp lý, Công ty ACI sở hữu CP thì không trái quy định. Còn hợp đồng giữa ACBS và Công ty ACI thì tôi không rõ bản chất, nên không dám suy luận đúng hay sai, bởi nếu là hợp đồng góp vốn, cùng bỏ vốn, cùng ăn chia lỗ lãi thì khác, còn nếu là góp vốn mà có sự chỉ định phải mua CP nào thì khác.
Nghị quyết HĐQT không có đề cập việc mua CP ACB, về chủ trương không có vi phạm pháp luật. Và HĐQT đã giao cho anh Kiên thì anh Kiên phải làm đúng pháp luật, anh Kiên làm sai anh Kiên chịu trách nhiệm.
Bị cáo Lý Xuân Hải khai: có tham gia cuộc họp HĐQT trong đó có bàn về việc đầu tư CK, không bàn về CP ACB. Bàn về CP ACB là cá nhân các cổ đông bàn bạc trong giờ nghỉ. Trong thời gian họp chính thức thì không bàn nội dung này, chỉ nói một số loại CP có giá tốt như CP ngân hàng và một số công ty khác.
Quá trình kiểm toán có báo cáo thì tôi đề nghị cho tôi 1 tuần để xem xét. Việc này trong nội bộ ACB còn nhiều tranh luận đúng hay sai, nhưng cá nhân tôi cho là không nên. Tôi cho là việc có thể bị hiểu lầm thành một công ty con của ACB đầu tư CP ACB
Tôi cho thế là sai nên tôi không ủng hộ. Việc thu hồi khoản hợp tác này không phải là kiến nghị của kiểm toán vì kiểm toán không có quyền yêu cầu. Chính tôi là người yêu cầu, vì tốt nhất là ACBS không nên làm những việc tranh tối tranh sáng.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên khi được thẩm vấn đã bác bỏ lời khai của ông Nguyễn Ngọc Chung, nguyên Giám đốc ACBS, lý do là không có văn bản nào thể hiện ông Kiên đã chỉ đạo ông Chung làm như vậy. Bầu Kiên cũng phủ nhận không có việc đã bảo ông Chung: "Đây là lệnh, cứ làm đi".
Bầu Kiên trình bày: Trong ACB có nội quy về quản lý CTCK ACBS giao cho anh Hải, anh Kỳ còn tôi là Chủ tịch Hội đồng đầu tư quản lý về mặt đầu tư. Mọi chỉ đạo điều hành đều thực hiện bằng văn bản.