Bà Bùi Kim Liên trước khi phạm tội.
Đây là phiên tòa được mở lần thứ 5 theo đơn kháng cáo của bị hại, song cũng bất thành. Nguyên do là bị cáo Liên tiếp tục vắng mặt, xin hoãn tòa vì lý do sức khỏe.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Ngọc Khanh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải) cũng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Vụ án này kéo dài nhiều năm nay, liên quan đến việc bán đất liền kề ở Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco.
Cuối tháng 2/2020, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Bùi Kim Liên bị xử phạt 18 năm tù về hành vi đưa thông tin gian dối Công ty Thuận Thành là nhà đầu tư thứ phát, cam kết giúp ông Trần Ngọc Hải mua 3 lô đất tại dự án trên. Bị cáo cũng nhờ bà Khanh môi giới và hứa trả hoa hồng. Do bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bị cáo Liên vẫn đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Bản án sơ thẩm cho rằng, ông Trần Ngọc Hải đã thống nhất với bị cáo Liên và bà Khanh giá chênh lệch là 3 triệu đồng/m2, tương đương 480 triệu đồng/ô đất. Ông Hải đã nộp số tiền hơn 9 tỷ đồng dưới hình thức hợp đồng góp vốn để mua 3 ô đất trên. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, bị cáo Liên không thực hiện đúng theo cam kết. Khi ông Hải đòi tiền, bị cáo mới trả được 1,9 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, bà Khanh thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng là 1,44 tỷ đồng.
Ngoài tuyên phạt về trách nhiệm hình sự, tòa sơ thẩm cũng buộc bị cáo Liên và bà Khanh phải bồi thường cho bị hại số tiền lần lượt là 5,6 tỷ đồng và 1,44 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi của bà Khanh.
Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Trần Ngọc Hải kháng cáo cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm với bà Khanh.
Gần 1 năm nay, từ tháng 9/2020 đến tháng 6/2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhiều lần mở phiên tòa phúc thẩm nhưng liên tiếp phải tạm hoãn vì bị cáo xin vắng mặt.
Tại phiên tòa vào ngày 30/6, bị hại tỏ ra bức xúc vì cho rằng bị cáo có hành vi cản trở việc xét xử khiến vụ án bị kéo dài. Bị hại cũng cho biết, đã có đơn kiến nghị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Liên từ “cấm đi khỏi nơi cư trú” sang “tạm giam”. Đồng thời, tiến hành áp giải bà Khanh đến phiên tòa nhằm đảm bảo việc xét xử phúc thẩm được diễn ra bình thường.
HĐXX phúc thẩm đã giải thích về thẩm quyền, trình tự giải quyết việc thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam với bị cáo Liên và áp giải bà Khanh đến tòa.
Cụ thể, theo khoản 1, Điều 347, Bộ luật Hình sự 2015, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định.
Bị hại đề xuất tiếp tục được kiến nghị trực tiếp tới lãnh đạo TAND Cấp cao Hà Nội tại buổi tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi hội ý, HĐXX cho biết, do bị cáo Liên vắng mặt vì lý do sức khỏe. Bà Khanh cũng có đơn vắng mặt nên không thể thực hiện việc tranh luận theo nguyên tắc tố tụng, không làm rõ được sự thật khách quan vụ án. Do đó, tòa án quyết định hoãn phiên tòa lần thứ 5.