Cơ quan thi hành án vẫn đang tiếp tục làm việc tại kho hàng của Trường Ngân

Cơ quan thi hành án vẫn đang tiếp tục làm việc tại kho hàng của Trường Ngân

Vụ án Trường Ngân: vừa xiết nợ, vừa ngóng!

(ĐTCK) Ngày 6/12, việc cưỡng chế thi hành án đối với kho hàng café của Công ty TNHH Trường Ngân tại Bình Dương để thu hồi nợ cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tiếp tục diễn ra. Nhưng dường như tâm điểm của “chiến trường” tranh chấp kho hàng đã chuyển sang địa điểm khác. Tại kho hàng đang bị cưỡng chế, lực lượng thi hành án vẫn tiếp tục làm việc và không khí khá yên ả.

Vụ án Trường Ngân: vừa xiết nợ, vừa ngóng! ảnh 1

Cơ quan thi hành án vẫn đang tiếp tục làm việc tại kho hàng của Trường Ngân

Khác với những ngày trước, khi các ngân hàng khác tập trung và bức xúc với việc OCB được cưỡng chế kho hàng, thì hiện sự chú ý này được dồn sang một kho hàng khác, do lực lượng bảo vệ của Ngân hàng Quân đội (MB) canh giữ.

Tại kho hàng này, đã xảy ra tranh chấp giữa nhóm người của Techcombank và MB vào chiều 6/12, sau đó, các ngân hàng đã cho xe tải đến chặn cổng vì lo sợ có ngân hàng phá cửa, “cướp” café đi vào cuối tuần qua.

Sự việc đang diễn biến ngày càng phức tạp, căng thẳng hơn và dường như là bài toán khó giải cho các bên đang có tranh chấp.

Có thể nói, OCB đang chiếm ưu thế khi có được quyết định có hiệu lực từ Tòa án và việc chuyển café đi được lực lượng cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, việc xử lý kho hàng này vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật. Trước hết, cơ quan thi hành án chuyển hết số hàng này về kho và lưu giữ trong 30 ngày, xem xét các khiếu nại nếu có. Sau đó, cơ quan thi hành án sẽ bán và trả cho người được thi hành án.

Trước quyết định cưỡng chế thi hành án, một số ngân hàng lên tiếng khẳng định sẽ và đã đệ đơn yêu cầu kháng nghị lên người có thẩm quyền cũng như làm đơn yêu cầu hoãn thi hành án.

Theo quy định pháp luật, với quyết định công nhận thỏa thuận của TAND quận 4 (TP. HCM), 4 người sẽ có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị gồm Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND TP. HCM và Viện trưởng Viện KSND TP. HCM trong thời hạn 3 năm.

Pháp luật tố tụng dân sự cũng quy định, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng, sự thoả thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Pháp luật có quy định về tạm hoãn thi hành án dân sự trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, bất kể là trường hợp nào thì ngân hàng làm đơn khiếu kiện phải có nghĩa vụ chứng minh tài sản - café trong kho hàng của Trường Ngân là của mình. Với tình trạng nhận thế chấp là hàng tồn kho luân chuyển, việc chứng minh đâu là hạt café của ngân hàng mình không dễ. Không chỉ thế, các thủ tục tố tụng đòi hỏi thời gian theo luật định, khó có thể giải quyết ngay lập tức.

Trong khi đó, 2 ngân hàng khác cũng nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa theo lô là MB và Agribank nhưng chưa có được bản án có hiệu lực của Tòa án.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hàng hóa thế chấp cho MB đều được quản lý tại kho riêng, có khu vực, vị trí riêng, có niêm phong của MB và được canh giữ bởi lực lượng bảo vệ. Bản thân MB nhiều lần muốn rút kho hàng này ra để xử lý và thu hồi nợ.

Nhưng mỗi khi MB có động thái cho xe vào rút hàng, lập tức các ngân hàng khác cũng cho xe tải tới quây cổng chặn đường.

Có lẽ, với MB và Agribank, thái độ hợp lý lúc này là chờ đợi diễn biến từ vụ việc cưỡng chế của OCB và có kế hoạch thích hợp để rút hàng khỏi kho.

Với các ngân hàng còn lại, chắc chắn cũng phải lên phương án kỹ lưỡng, cân nhắc tình huống trong cuộc chiến pháp lý có khả năng kéo dài. Bởi giờ đây, bất cứ một ngân hàng nào đệ đơn khởi kiện Trường Ngân yêu cầu Tòa án buộc Trường Ngân trả nợ và cho phép phát mại tài sản sẽ gặp không ít khó khăn và thời gian tố tụng kéo dài.

Trước đó đã có ngân hàng đề cập đến việc tố cáo đến cơ quan điều tra, chưa rõ tiến triển của việc này đến đâu, nhưng khi xem xét trách nhiệm hình sự, vụ việc sẽ đem lại nhiều rủi ro cho ngân hàng. 7 ngân hàng đã cho Trường Ngân vay khoảng 600 tỷ đồng, hạn mức cụ thể từng ngân hàng cấp cho Trường Ngân chưa được công bố ngoại trừ OCB.

Nhưng có thể thấy, số tiền mỗi ngân hàng cho Trường Ngân vay, dù ít cũng phải lên đến hàng chục tỷ đồng. Thực tế, các vụ án xảy ra tại ngân hàng, cán bộ ngân hàng thường bị cáo buộc một số tội danh như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay…

Đến giờ phút này, dù lựa chọn giải quyết hình sự, dân sự hoặc là giải quyết bằng cách tổ chức “cướp” hàng thì đều không dễ dàng cho các ngân hàng còn lại.

Trong một diễn biến khác, cơ quan quản lý là Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP. HCM đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo về vụ việc, để xin ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Trong lúc các ngân hàng đang loay hoay tìm giải pháp thì mặt hàng café không chờ đợi các ngân hàng, mà cứ ngày càng mất giá theo thời gian…

>> Khi ngân hàng hành xử kiểu "xã hội"

>> Vụ 7 ngân hàng "tranh" kho hàng, OCB thắng cuộc?

>>Ngân hàng Nhà nước tính chuyện mua vàng