Trước đó, năm 2018, TAND TP. Hà Nội đã xử phạt bị cáo Nguyễn Văn An (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa) 20 năm tù và Ngô Thị Hạnh (vợ An, nguyên Phó tổng giám đốc) 13 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau đó, các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan.
Bản án sơ thẩm xác định Công ty Thái Hòa có quan hệ tín dụng với Ngân hàng Vietcombank trong nhiều năm, được cấp hạn mức 200 tỷ đồng. Cuối năm 2010, do không có tiền để trả nợ, các bị cáo tiếp tục đề nghị ngân hàng cho vay vốn để thu mua cà phê nhưng trên thực tế là dùng tiền vay để đáo nợ ngân hàng.
Bị cáo An và vợ đã chỉ đạo cấp dưới, đồng thời trực tiếp lập khống hợp đồng kinh tế, hóa đơn giá trị gia tăng, phương án kinh doanh.
Công ty Thái Hòa đã ký 4 hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm, nhà đất ở Đồng Nai, cổ phần của CTCP Cà phê An Giang… giá trị 56 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng yêu cầu công ty có thêm biện pháp bổ sung là phải mua bảo hiểm hàng hóa với giá trị 150 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, công ty chưa thanh toán hết tiền nên hợp đồng không có hiệu lực.
Tổng cộng ngân hàng đã giải ngân cho công ty 184 tỷ đồng. Các bị cáo sử dụng 156 tỷ đồng để trả nợ cho Vietcombank và sử dụng 22,5 tỷ đồng trả nợ cho các ngân hàng khác.
Ngân hàng đã giải chấp sổ tiết kiệm hơn 2,2 tỷ đồng. Các tài sản còn lại đang thế chấp tại ngân hàng trị giá 54 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, các bị cáo đã chiếm đoạt của ngân hàng số tiền 127 tỷ đồng nợ gốc và lãi là 92,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ quy kết các bị cáo chiếm đoạt 27 tỷ đồng là số tiền hai bị cáo sử dụng để trả nợ cho khoản vay tại các ngân hàng khác.
HĐXX phúc thẩm nhận định, việc quy kết của tòa sơ thẩm là khiên cưỡng và mâu thuẫn với kết luận điều tra và cáo trạng. Mặt khác, kết luận điều tra còn sơ sài. Quá trình chuẩn bị hồ sơ, tòa án sơ thẩm không trả hồ sơ để làm rõ việc công ty đã thanh toán các khoản vay nào, bao nhiêu tiền?
Mặt khác, tại tòa, bị cáo và một số nhân chứng là cán bộ, nhân viên Công ty Thái Hòa khẳng định, trong năm 2011, Công ty Thái Hòa đã trả cho ngân hàng số tiền 34 tỷ đồng. Số tiền này lớn hơn số tiền án sơ thẩm quy kết. Quá trình điều tra cũng chưa thu thập tài liệu các hợp đồng vay và trả tiền từng giai đoạn, chưa có đối chiếu việc trả nợ có thật không.
Ngoài ra, các bị cáo thừa nhận gian dối làm khống các giấy tờ theo giải thích và hướng dẫn của cán bộ ngân hàng để đảm bảo hồ sơ vay vốn chặt chẽ và tránh sự kiểm tra của cấp trên. Lời khai chỉ là một phía, chưa được đối chất. Việc điều tra nội dung này sẽ làm rõ các bị cáo có ý thức chủ quan chiếm đoạt ngay từ đầu hay không?
Cấp phúc thẩm cũng cho rằng, Công ty Thái Hòa có nhiều tài sản thế chấp tại Vietcombank và một số ngân hàng khác nhưng chưa được xử lý. Cần xác minh thẩm định, định giá tài sản đang thế chấp có tài sản nào có thể phát mại không?
Đối với hợp đồng bảo hiểm rủi ro, cáo trạng quy kết Công ty Thái Hòa chưa thanh toán hết tiền cho công ty bảo hiểm nên hợp đồng không phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, theo hồ sơ có 5 hợp đồng bảo hiểm nhưng cáo trạng chỉ thể hiện có 2 hợp đồng. Ngoài ra, việc kết luận các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực hay vô hiệu là phải có phán quyết của tòa án. Việc quy kết trong cáo trạng làm bất lợi cho các bị cáo và có thể làm thiệt hại cho người thụ hưởng.
Tòa phúc thẩm cũng cho rằng, bản chất của vụ án thể hiện rõ hành vi vi phạm quy định cho vay trong hoạt động ngân hàng. Lời khai của các bị cáo và nhân chứng khai nhận để vay được 200 tỷ đồng có sự giúp đỡ của cán bộ ngân hàng. Nếu lời khai trên là đúng thì việc quy kết các đối tượng đồng phạm là có căn cứ.
Do việc điều tra không đầy đủ, HĐXX phúc thẩm không thể bổ sung tại tòa nên quyết định hủy bản án sơ thẩm, điều tra, xét xử lại.