Các bị cáo đã nâng khống vốn điều lệ ROS và thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART

Các bị cáo đã nâng khống vốn điều lệ ROS và thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART

Vụ án tại FLC: Nhà đầu tư khó đòi bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong vụ án cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được Toà án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm từ ngày 22 đến 29/7/2024, nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại do lỗi của các bị cáo nhưng khó chứng minh thiệt hại để đòi bồi thường.

Khó xác định bị hại

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên các công ty thuộc Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC), người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống vốn điều lệ của công ty con là Công ty cổ phần Xây dựng Faros (mã chứng khoán ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, các bị cáo đã hợp thức hồ sơ, niêm yết trái quy định 430 triệu cổ phiếu ROS trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM rồi bán hơn 391 triệu cổ phiếu (từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022) cho 30.403 nhà đầu tư, thu được hơn 4.818 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng. Với hành vi này, ông Trịnh Văn Quyết và 19 bị can đã bị khởi tố về tội “thao túng thị trường chứng khoán” quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết và 3 bị can khác về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, từ năm 2017 đến 2022, ông Trịnh Văn Quyết và một số đồng phạm đã mượn giấy tờ của 45 người khác, đứng tên thành lập 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng. Các bị cáo đã sử dụng những tài khoản này để thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Trong đó, việc thao túng cổ phiếu AMD diễn ra trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, nên ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với 4 mã còn lại, tổng số tiền là 684 tỷ đồng.

Vụ xét xử vừa trải qua một tuần nghị án, dự kiến bản án chính thức sẽ được tuyên vào chiều nay (5/8/2024).

Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, vụ án đang thu hút sự quan tâm của dư luận do xuất hiện tình huống pháp lý là khó xác định bị hại để bồi thường. Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ban hành ngày 28/10/2023 cho biết, trước khi kết thúc điều tra, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định từ Bộ Tài chính. Kết quả giám định cho hay, pháp luật hình sự chưa có quy định hướng dẫn về xác định việc thu lời bất chính và khoản thiệt hại cho nhà đầu tư phát sinh từ các hành vi tội phạm về chứng khoán.

Đối với tội danh “thao túng thị trường chứng khoán” của vụ án tại FLC, chủ thể bị thiệt hại tài sản là các nhà đầu tư đã bỏ tiền mua 5 mã cổ phiếu trong thời gian các đối tượng thao túng. Về lý thuyết, các nhà đầu tư bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường, nhưng Bộ Tài chính kết luận là chưa có căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi thao túng thị trường chứng khoán của các bị can gây ra đối với 5 mã chứng khoán.

Còn đối với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, để phục vụ phiên xét xử vừa qua, Tòa án đã triệu tập 30.403 nhà đầu tư với vai trò bị hại tham gia tố tụng (thực tế chỉ có vài chục người có mặt).

“Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ ra một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng”, Viện kiểm sát nhấn mạnh tại phiên toà, rằng đây là căn cứ để xác định bị hại của vụ án.

Qua rà soát và ghi nhận ý kiến của luật sư, Hội đồng xét xử phát hiện nhiều tên trùng nhau do một người lập nhiều tài khoản nên đã xác định lại con số bị hại khoảng 25.000 người.

Luật sư Vũ Đặng Hải Yến (bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết) không đồng tình với kết luận đó. Bà Yến cho biết, đến nay cơ quan tố tụng xác định có 133 người đang sở hữu hơn 627.000 cổ phiếu ROS ban đầu, trong đó chỉ có 95 bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng. Từ đó, bà Yến đề nghị Hội đồng xét xử chỉ công nhận 133 bị hại do đáp ứng cả 2 tiêu chí: đã mua cổ phiếu ROS trong lần bán ra đầu tiên trên thị trường sơ cấp (từ ông Quyết và 15 cổ đông ban đầu), đồng thời đến nay còn giữ toàn bộ hoặc một phần cổ phiếu.

Được công nhận là bị hại vẫn khó đòi bồi thường

Pháp luật hình sự chưa có quy định hướng dẫn về xác định việc thu lời bất chính và khoản thiệt hại cho nhà đầu tư phát sinh từ các hành vi tội phạm về chứng khoán.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để được bồi thường, nhà đầu tư cần làm đơn đề nghị công nhận bị hại và có tài liệu, chứng cứ chứng minh đầu tư và bị thiệt hại do hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” của các đối tượng gây ra.

“Trên thực tế, việc chứng minh này là không dễ, bởi giao dịch trên thị trường chứng khoán diễn ra liên tục, khó phân định thiệt hại do bị thao túng hay do các yếu tố tâm lý, thị trường… Đây chính là lý do vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Louis Holdings (xét xử hồi tháng 5/2023) không ghi nhận bị hại nào, số tiền hơn 154 tỷ đồng thu lời bất chính của các bị cáo mặc dù là của nhà đầu tư nhưng đã bị sung công”, ông Ứng nói.

Song luật sư Ứng nhận định, khác với vụ án Louis Holdings chỉ có một tội danh “thao túng thị trường chứng khoán” - khó chứng minh thiệt hại của bị hại, vụ án FLC có thêm tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên dễ xác định, chứng minh thiệt hại hơn.

TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM cho biết, khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Do đó, ông Nam rằng, tất cả những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS của nhóm ông Quyết và bị thiệt hại đều được coi là bị hại của vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bao gồm những nhà đầu tư còn giữ toàn bộ hay một phần cổ phiếu đã mua và những nhà đầu tư đã bán lỗ.

“Việc này tương tự như một người mua chiếc máy lạnh bình dân nhưng bị dán mác là hàng cao cấp, khi phát hiện họ bán giá thấp để thu hồi một phần vốn thì họ vẫn là bị hại do bị hành vi lừa đảo kia làm thiệt hại”, ông Nam nói.

“Còn nếu tính cả yếu tố thị trường thì giá cổ phiếu ROS xuống thấp cũng phản ánh tình trạng Công ty Faros là trống rỗng, không giống như hồ sơ nâng khống thể hiện. Điều này khác với hành vi bán theo tâm lý. Ví dụ, một cổ phiếu tốt bị bán giá thấp vào ngày xấu cũng giống như chiếc máy lạnh loại tốt vẫn phải giảm giá vào mùa đông, nhưng do chất lượng không đổi nên giá sẽ lên lại vào thời điểm phù hợp”, ông Nam nói thêm.

Ông Trần Nam Sơn, Giám đốc Khối Pháp chế và Quản trị rủi ro, Công ty Chứng khoán An Bình có cùng quan điểm rằng, bị hại trong vụ án tại Công ty Faros là tất cả những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS và bị thiệt hại (bao gồm cả nhà đầu tư mua sơ cấp và một phần nhà đầu tư mua trên thị trường thứ cấp, sau khi đã loại bỏ các thiệt hại do tâm lý, thị trường...).

Ông Sơn cho hay, trong vụ án hình sự, nghĩa vụ chứng minh yếu tố cấu thành thiệt hại là của cơ quan tố tụng, người dân chỉ có trách nhiệm chứng minh thiệt hại trong những vụ án dân sự có quan hệ ngang bằng. Tuy nhiên, do đặc thù hành vi giao dịch trên thị trường chứng khoán là tự nguyện, chủ động, liên tục, một lệnh bán số lượng lớn được tung ra sẽ có nhiều tài khoản khớp lệnh từng phần, việc chứng minh thiệt hại trong một vài phiên là khả thi, còn trong một thời gian dài thì đó là gánh nặng cho hoạt động tố tụng.

“Việc chứng minh thiệt hại để xác định bị hại của những vụ án như FLC hiện đang tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, cái khó là Hội đồng xét xử sẽ đứng trên quan điểm nào để có thể xử lý khéo léo, đưa ra phán quyết hợp lý”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan