Theo lịch, chiều 2/11, TAND TP. Hà Nội sẽ tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ án thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng liên quan đến ông Trần Bắc Hà. Trong vụ án này, BIDV là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, từ 2011-2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát của BIDV số tiền hơn 1.672 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng, Công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có hoạt động kinh tế phát sinh, vốn tự có và tài sản không đủ điều kiệnvay vốn. Báo cáo thẩm định của ngân hàng đánh giá những yếu tố rủi ro, khó khăn nhưng do Trần Bắc Hà chỉ đạo nên Hội sở và chi nhánh Hà Tĩnh đã phê duyệt cho vay vốn.
Sau khi giải ngân, không kiểm soát được vốn vay để một số bị cáo sử dụng trái mục đích để chiếm đoạt tiền bán bò. Những sai phạm trên đã gây thiệt hại cho BIDV số tiền 799 tỷ đồng.
Tương tự khoản cho vay tại Công ty Trung Dũng, thẩm định, đánh giá tình hình tài chính công ty gặp khó khăn, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng; phát hành L/C, bảo lãnh phát hành trái phiếu.
Việc giải ngân cho vay, quản lý vốn vay và tài sản bảo đảm của BIDV chi nhánh Hà Thành đã vi phạm nhiều quy định pháp luật và quy chế nội bộ dẫn đến thất thoát, thiệt hại 864 tỷ đồng.
Phương án thu hồi tiền
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của BIDV, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, thời điểm khởi tố vụ án, tổng dư nợ gốc của Công ty Bình Hà là 1.459 tỷ đồng. Sau khi khởi tố vụ án đã thu hồi được 207 tỷ đồng, đến nay dư nợ gốc là 1.252 tỷ đồng.
“Công ty Bình Hà là người vay thì đương nhiên phải có nghĩa vụ trả nợ, nhưng cần tạo điều kiện để công ty có khả năng trả nợ”, luật sư Thiệp nêu quan điểm.
Theo luật sư, ngay từ trước khi khởi tố vụ án, thấy được nguy cơ dự án chăn nuôi bò có thể không hoàn thành, Công ty Bình Hà đã có phương án tái cơ cấu. BIDV cũng đã hỗ trợ để công ty tái cơ cấu chuyển một phần sang trồng chuối, bước đầu có một số kết quả. Tuy nhiên, sau khi vụ án bị khởi tố, do không có người quản lý, công nhân không được trả lương… nên không đạt hiệu quả.
Công ty yêu cầu được tổ chức lại hoạt động và có phương án hợp tác kinh doanh để khôi phục lại dự án. Yêu cầu này cũng được cơ quan điều tra chấp thuận tạo điều kiện.
Theo luật sư Thiệp, Công ty Bình Hà đã hợp tác với nhà đầu tư mới DoHoldings và dự án đã được triển khai.
“Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, nhóm đối tác sẽ trả tiền hàng năm cho Công ty Bình Hà để Công ty Bình Hà trả nợ cho BIDV. Theo tính toán, Công ty Bình Hà sẽ trả hết toàn bộ nợ gốc cho BIDV trong vòng 8 năm. Việc thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các bên sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của BIDV và BIDV có quyền xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay”, luật sư cho biết thêm.
Ngoài ra, hiện nay tài khoản của Công ty Bình Hà tại BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh còn số tiền 15,4 tỷ đồng. Cáo trạng không đề cập tới số tiền này. Luật sư đề nghị tòa án cho BIDV được phép thu hồi khoản tiền này để giảm số tiền nợ gốc của công ty.
Liên quan đến khoản tiền 21 tỷ đồng và 263 tỷ đồng mà các bị cáo đã chiếm đoạt, luật sư cũng đề nghị tòa tuyên buộc các bị cáo phải hoàn trả số tiền này để BIDV cấn trừ vào nợ gốc 2 khoản vay trên.